Chiến lược và những cuộc giao tranh cuối cùng,Trận chiến tại phòng tuyến Phan Rang

Các đoạn trích của bài này sau đây là những điều cần để chúng ta suy ngẫm là do tai nạn hay là bị CS xâm nhập và một lần nữa nhiệm vụ của Ông Lewis (ông nầy nói tiếng Việt rất lưu loát) chuyên viên Tòa Đại sứ Mỹ ?

……Tướng Times, phụ trách an ninh cho Tòa Đại Sứ Mỹ, đến thăm căn cứ và nói sẽ sắp xếp cho người của ông thường xuyên ở lại đây, để chuyển tin ngay về Tòa Đại Sứ……

…….Khoảng 11.30 giờ, một đoàn xe 16 chiếc GMC, chở đầy Quân nhân TĐ36BĐQ đổ xuống ấp Kiền Kiền để trám vào vị trí của BCH/TĐ3ND trong khi khói lửa vẫn còn mù mịt và pháo địch vẫn còn “cấm chỉ” để không ai có thể cản bước tiến quân của chúng. Sau khi đổ quân, đoàn quân xa quay đầu trở lại hướng thị trấn Phan Rang thì đoàn quân cũng bắt đầu chạm địch. Cộng quân đã dùng tất cả hỏa lực tăng, pháo và bộ binh tấn công và bao vây TĐ36BĐQ vừa mới dừng quân chưa kịp tổ chức phòng thủ……

….. Lệnh từ Quân đoàn III cho biết sẽ rút Lữ Đoàn 2 Dù vào ngày 13.4.75 và thay bằng Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu Đoàn 31, 36 và 52 BĐQ, và Sư Đoàn 2 Bộ Binh với 2 Trung Đoàn 4 & 5, cùng 2 Pháo Đội và 2 Chi đội Thiết vận xa.

Liên đoàn 31 BĐQ vừa rút khỏi Chơn Thành, sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghĩ dưỡng quân và bổ sung, thì được tung ra tiền tuyến với quân số thiếu thốn trầm trọng.

Sư đoàn 2 Bộ binh cũng vừa tháo chạy từ Quảng Ngải, vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì được lịnh phải ra Phan Rang, trong khi cả đơn vị hảy còn hoang mang, dao động. Vì chưa kịp bổ sung thiết bị, đơn vị nầy phải thu lượm một số pháo và thiết vận xa để mang theo cùng với các Trung Đoàn ra Phan Rang bằng đường bộ………

……. Khoảng 11.30 giờ, một đoàn xe 16 chiếc GMC, chở đầy Quân nhân TĐ36BĐQ đổ xuống ấp Kiền Kiền để trám vào vị trí của BCH/TĐ3ND trong khi khói lửa vẫn còn mù mịt và pháo địch vẫn còn “cấm chỉ” để không ai có thể cản bước tiến quân của chúng. Sau khi đổ quân, đoàn quân xa quay đầu trở lại hướng thị trấn Phan Rang thì đoàn quân cũng bắt đầu chạm địch. Cộng quân đã dùng tất cả hỏa lực tăng, pháo và bộ binh tấn công và bao vây TĐ36BĐQ vừa mới dừng quân chưa kịp tổ chức phòng thủ……

……. Trong khi đó thì pháo binh của CSBV liên tục nả vào phi trường Thành Sơn. Đến 4.00 giờ sáng ngày 16/4/1975, pháo binh CS bỗng im bặt ngưng tác xạ, một chiếc phi cơ C130 màu tối đen từ từ đáp xuống phi đạo, đèn đóm vẫn chiếu sáng chang. 15 phút sau, chiếc C130 cất cánh bay đi, pháo binh CS lại tiếp tục pháo tới tắp……..

…… Khoảng 10.30 giờ sáng, mãi đến khi các toán quân địch sắp tiến vào Bộ Tư lệnh Tiền phương thì Trung Tướng Nghi mới ra lịnh rời căn cứ bằng đường bộ, từng đơn vị theo đơn vị trưởng mình rút theo hướng Nam về Cá Ná để lập phòng tuyến mới. Trung tướng Nghi, Chuẩn Tướng Sang, Đại Tá Lương, Ông Lewis (ông nầy nói tiếng Việt rất lưu loát) chuyên viên Tòa Đại sứ Mỹ cùng các quân nhân của Bộ Tư lệnh Tiền phương, Sư đoàn 6 Không quân, BCH/Lữ Đoàn 2 Dù cùng các toán quân lẻ tẻ của Liên Đoàn 3I Biệt Động Quân lối 700 đến 800 người rời căn cứ tiến ra cổng số 1 về hướng Nam……

….. Lúc 9 giờ tối ngày 16/4, dưới sự hướng dẫn của Đại Tá Lương, đoàn người thuộc BTL Tiền Phương QĐ3 bắt đầu rời Thôn Mỹ Đức. Chưa đi được bao xa thì bị địch phát hiện và bao vây…….

……. Hai vị tướng và người Mỹ vẫn không chạy theo kịp toán quân Dù. Sau khi quân Dù mở đường máu vượt qua đường thì địch giàn các chiến xa theo đường và đồng thời mở đèn pha chiếu vào khe núi sáng như ban ngày!

Rồi địch tiến tới khe suối, người bị bắt đầu tiên là Tướng Sang, tiếp đến là Trung tướng Nghi, anh cố vấn Mỹ, kế bên là anh cận vệ tướng Nghi. Sau đó chúng bắt luôn BS Tiến, y sĩ trưởng LĐ2, Đại Úy Đô ĐĐT Công Binh, và những người kẹt dưới khe suối………..

Hết trích.

Chiến lược và những cuộc giao tranh cuối cùng

Trận chiến tại phòng tuyến Phan Rang
Tác giả: Nguyễn Ðạt Thịnh

(Thu Vien VN)

Chiến lược và những cuộc giao tranh cuối cùng

Dù chiến tranh Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh quy ước, nhưng chiến lược vẫn mang giá trị quyết định, và điều đáng buồn là chúng ta không có một chiến lược nào minh bạch cả, nhất là trong những cuộc giao tranh cuối cùng tại Phước Long, Pleiku, Ban Mê Thuột và Phan Rang.

Lệ thuộc vào đường giao thông tạo ra tổn thất quân sự lớn

Trong giai đoạn 9 năm đầu của chiến tranh Việt Nam (1945- 1954) quân Pháp giao tranh với Việt Minh trong thế phòng thủ chiến lược và tấn công chiến thuật: Trên bình diện tổng quát của chiến trường, họ đóng đồn phòng thủ, mặt khác họ tấn công địch bằng những cuộc hành quân riêng rẽ, không mang chung một mục đích chiến lược với những cuộc hành quân tấn công khác.

Người Pháp tổn thất rất nhiều vì lệ thuộc vào đường giao thông. Bao nhiêu ngàn quân Pháp đã phơi xác trên 4 quốc lộ 19, 14, 1, 21, và tỉnh lộ 7, những trục giao thông chính của vùng Cao Nguyên miền Nam và duyên hải Trung Việt.

Năm 1953, còn là một trung úy phục vụ tại Tiểu Ðoàn 9 sơn cước, tôi đã chứng kiến nguyên một Liên Đoàn 100 của người Pháp bị phục kích tại đèo Mang Yang, trên đường 19, với trên dưới 2,000 quân nhân tử thương.

Tôi viết về trận đánh này, và tìm hiểu về thế thụ động của những lực lượng phải di chuyển trên các trục lộ không thể nào kiểm soát kiến hiệu của vùng Cao Nguyên; tôi phân tách nhu cầu di chuyển trên những trục lộ nguy hiểm này là do sai lầm trong chiến lược “phòng thủ diện địa”.

Nếu không cần tăng cường cho Tiểu Đoàn 9 sơn cước chúng tôi phòng thủ An Khê, Liên Ðoàn 100 đã không cần vượt 90 cây số trên đường 19 để đi từ Pleiku đến An Khê.

Họ đến An Khê an toàn, nhưng khi từ An Khê trở về họ bị phục kích và bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trong giai đoạn 21 năm thứ nhì (1954- 1975) người Việt Nam chúng ta chống Việt Cộng dưới sự “cố vấn” của người Mỹ, chúng ta vẫn không thoát khỏi sai lầm chiến lược “phòng thủ diện địa”.

Chúng ta tự gán cho quân đội trọng trách phòng thủ từng cây cầu, từng thị trấn, … bằng một hệ thống đồn bót, căn cứ chằng chịt, tạo ra ba hậu quả: Một là cầm chân toàn bộ nghĩa quân, địa phương quân, chủ lực quân, và cả những đơn vị tổng trừ bị vào thế bị tê liệt vì sa lầy trong hệ thống phòng thủ diện địa, không còn sức tấn công địch nữa; và hai là tạo ra hàng ngàn nhược điểm quân sự giúp địch tùy nghi lựa chọn điểm thuận lợi nhất để tấn công, và ba là tạo ra nhu cầu tiếp viện cho những đồn binh, những căn cứ bị uy hiếp, khiến quân tiếp viện phải sử dụng những con đường mà địch biết trước để tổ chức phục kích.

Một trong những định luật chiến lược là “lực lượng tấn công chỉ cần mạnh hơn đối phương trong một thời điểm và tại một địa điểm để chiến thắng”; điển hình cho định luật này là Ban Mê Thuột. Tương quan lực lượng tại đây trong tháng Ba 1975 là 10 đánh 1.

Ban Mê Thuột chỉ là điển hình thứ 1001 của định luật “mạnh hơn trong một lúc, tại một chỗ”, trước đó chúng ta có Phước Long, và có hàng ngàn đồn bót thất thủ cũng chỉ vì yếu hơn địch trong một đêm.

Thử hinh dung tình hình chiến trường trong giả thuyết một triệu quân VNCH không sa lầy trong hệ thống phòng thủ, và chỉ chuyên tâm truy tìm và tấn công địch quân! Giả thuyết này đưa đến hai hiện tượng: một là địch quân mất mục tiêu tấn công vì chúng ta không đóng đồn nữa, trong lúc chúng ta cũng không còn đồn bót, căn cứ để thất thủ và cứu viện nữa; và hai là chúng ta sẽ có một lực lượng chủ lực, gồm 12 sư đoàn lúc nào cũng rảnh tay để truy kích địch.

Chỉ cần hủy bỏ đồn bót để giải thoát toàn bộ chủ lực quân ra khỏi gánh nặng phòng thủ diện địa giản dị và dễ làm đến mức không thể tin được; nhiều người vẫn cho rằng vì hoàn cảnh chiến trường bắt chúng ta phải tử thủ thành trì, sân bay, thị xã, đường giao thông v.v… Chúng ta quen thấy thành phố, bộ chỉ huy quân sự, yếu điểm phải được phòng thủ kiên cố.

Không điển hình nào cụ thể hơn trường hợp phòng thủ Phan Rang trong quan điểm tử thủ quen thuộc. Tư lệnh tuyến phòng thủ này là Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi; lực lượng dưới quyền ông gồm trên dưới 20,000 quân với rất nhiều hoả lực yểm trợ của hải quân và không quân chiến thuật đặt dưới quyền sử dụng trực tiếp của ông, chưa nói đến những sư đoàn không quân tại Biên Hoà và Saigon, hoặc xa hơn chút nữa, tại Cần Thơ và Ba Xuyên.

Theo tài liệu của Ðại Úy Võ Trung Tín, (bắt đầu trích tài liệu này) Tướng Nghi có nguyên một Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù do đại tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy, gồm 4 tiểu đoàn 3, 5, 7 và 11 Nhẩy Dù, đại đội Trinh sát 2 ND, và Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh Nhẩy Dù, 2 trung đoàn 4 và 5/Sư Ðoàn 2 BB, với 2 pháo đội gồm 10 khẩu 105 ly, 2 Chi đội Thiết Vận Xa gồm 10 chiếc do Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt làm Tư Lệnh.

Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân do Đại Tá Nguyễn Văn Biết chỉ huy, gồm 3 Tiểu Đoàn 31 do Thiếu Tá Nguyễn văn Tú làm tiểu đoàn trưởng, TĐ 36 do Thiếu Tá Đào Kim Minh làm tiểu đoàn trưởng và TĐ52 từ Sài Gòn ra thay thế LĐ2ND từ ngày 13/4/1975.

Lực lượng Hải Quân gồm:- Duyên Đoàn 27- 2 Khu Trục Hạm- 1 Giang Pháo Hạm- 1 Hải Vận Hạm và một số tàu yểm trợ.

Lực lượng Không Quân gồm: Không Đoàn 92 Chiến Thuật do Đại Tá Lê Văn Thảo làm Không Đoàn Trưởng với 3 Phi Đoàn A-37 524 Thiên Lôi, 534 Kim Ngưu và 548 Ó Đen. – Không Đoàn 72 Chiến Thuật do Trung Tá Lê Văn Bút làm Không Đoàn Trưởng với 2 Phi Đoàn Trực Thăng 229 và 235, 1 phi đoàn Quan sát 118 và một bộ phận của Phi đoàn 530 A-1 với Phi Đội Tản Thương 259 C

4 tiểu đoàn Địa Phương Quân.

1 Chi Đoàn M113.

Sư Đoàn 6 Không Quân do Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang làm tư lệnh.

Lực lượng địch :

Sau khi chiếm được Quân Khu 1 và Quân Khu 2 của VNCH tới Thị Trấn Cam Ranh, Quân Đoàn 2 CSBV do Tướng VC Nguyễn Hữu An chỉ huy, Tướng Lê Linh làm Chính Ủy được lịnh tiến dọc theo QL1 hướng về phía Nam. Cánh quân này và cả các lưc lượng hậu cần CSBV tiến dọc theo duyên hải do Thiếu Tướng VC Nam Long chỉ huy đều được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng CS Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hòa làm chính ủy. Lực lượng CSBV tấn công Phan Rang gồm các đơn vị sau :

SĐF10 dưới sự chỉ huy của Sư Đoàn Trưởng Thượng Tá Hồ Đệ và Chính Ủy Thượng Tá Lã Ngọc Châu.

SĐ3CSBV do Trần Bá Khuê làm tư lệnh, Mai Tần tư lệnh phó, thuộc Quân Khu 5 được tăng cường Trung đoàn bộ binh 25 Tây Nguyên.

Sư đoàn 325 CSBV gồm các Trung Đoàn 18, 95 và 101 thuộc Quân Đoàn 2.

Sư Ðoàn 968 do Thanh Sơn làm sư đoàn trưởng được tăng cường về sau.

Một trung đoàn Pháo, một trung đoàn Chiến Xa.

Phan Rang

Phi trường Phan Rang rất rộng, hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 6 km, nằm giữa QL 1 và QL 11 và sát với đường xe lửa về hướng Đông, cách thị xả 5km và Nha Trang khoảng 80km. Có 2 đường bay song song, 1 bằng xi măng cốt sắt và một bằng vĩ nhôm dài 10.000 bộ, rộng 150 bộ. Có đầy đủ cơ sở cho kỹ thuật, tiếp liệu với các bồn xăng và kho bom theo tiêu chuẩn an ninh tối tân. Việc phòng thủ bao gồm 60 chòi gác, với 2 cổng chung quanh căn cứ do 7 đại đội Địa phương quân phụ trách.

Kể từ ngày 31.3.1975, sau khi Nha Trang bỏ ngỏ, căn cứ Phan Rang đương nhiên trở thành căn cứ tiền tuyến của Miền Nam. Buổi tối cùng ngày, Trung Tá Lê Văn Phát, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù cùng Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và một phần của Tiểu Đoàn 5, trên đường rút từ Khánh Dương xin vào để chờ phi cơ về Sài Gòn.

Ngoài Thị Xã, tỉnh trưởng đã rời nhiệm sở, dân chúng thì lo sợ nên ào ạt tản cư về hướng tỉnh Phan Thiết, phố xá và chợ búa vắng tanh. Các công chức tỉnh đa số đều đã di tản. Trên QL1 và 11 hướng về SàiGòn, từng đoàn xe dân sự và quân sự chật nứt người rầm rộ tiếp nối chạy giặc. Tệ hại hơn nửa là Đà Lạt cũng rút bỏ và đoàn xe của Trường Võ Bị đang theo QL11 trên đường đi Bình Tuy cũng vừa chạy ngang qua.

BTL/SĐND yêu cầu BCH/SĐ6KQ để cho LĐ3ND vào căn cứ phi trường và sử dụng để kiện toàn an ninh cho phi trường và phối hợp với các đơn vị Địa Phương Quân trong việc giữ an ninh cho thị xả. Thật là đúng lúc cần thiết có thêm người để giữ an toàn cho căn cứ hiện trong tình trạng bỏ ngỏ.

Phi trường Phan Rang

Trung Tá Phát xử dụng ĐĐ/TS3ND bung ra kiểm tra nội vi căn cứ phi trường và đánh đuổi một vài tên du-kích VC mon men vào đồn Đại Hàn gần cổng số 2 của phi trường.

Buổi chiều 1/4/1975 Tướng Phú, Tư Lệnh QĐ2 ghé thăm hỏi tình hình và sáng hôm sau rời căn cứ bay về SàiGòn.

Quân đoàn 3 lập phòng tuyến Ninh Thuận

Sau khi 6 tỉnh Cao Nguyên và 8 miền tỉnh miền Trung bị lọt vào tay CSBV, để ngăn chận địch quân tràn chiếm hai tỉnh Ninh Thuận,Bình Thuận, thành lủy cuối cùng của Quân Khu 2, Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH đã quyết định giao cho Quân Đoàn 3 lập tuyến phòng thủ bảo vệ hai tỉnh này. Để có sự chỉ huy thống nhất, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn 3 & Quân Khu 3, thành lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3 tại Phan Rang và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được Tổng Thống Thiệu cử làm tư lệnh phó Quân Đoàn 3, trực tiếp chỉ huy Bộ Tư Lệnh Tiền phương của Quân đoàn này. Vào thời gian đó, Trung Tướng Nghi là chỉ huy trưởng trường Bộ Binh Thủ Đức, ông cũng đã từng giữ chức tư lệnh Quân Đoàn 4 & Quân Khu 4 từ tháng 5/1972 đến 11/1974 sau khi đã giữ chức vụ tư lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh gần 4 năm (từ tháng 6/1968 đến tháng 5/1972).

Ngày 2/4/1975 lúc 2 giờ chiều, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh QĐ3 đến thăm Thị Xả Phan Rang và để xác nhận Phan Thiết & Phan Rang sát nhập vào Quân Đoàn III, và trở thành cứ điểm cực Bắc của quân đoàn.


Thị Trấn Phan Rang
Tình hình Tỉnh Ninh Thuận

Sáng ngày 1/4/1975,Các thành phần thuộc LĐ3ND và TĐ5ND được điều động để lục soát và giử an ninh khu vực nội vi phi trường và vòng đai từ Bà Râu tới Thị Xả Phan Rang.

Ngay sau khi BTL tiền phương QĐ3 được thành lập tại Phan Rang (tỉnh lỵ Ninh Thuận), trật tự an ninh tại tỉnh này đã được vãn hồi. Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận đã bỏ đi trong mấy ngày trước, ngày 2/4/1975 được lệnh trở về tái lập việc phòng thủ quanh thị xã và điều hành công việc hành chính trong tỉnh. Theo kế hoạch, lực lượng Địa Phương Quân được phối trí phòng thủ thị xã, bảo vệ cầu đường, các cơ sở và tham gia lực lượng giữ gìn an ninh tại thị xã và các vùng phụ cận.

Trong ngày nầy (2/4) Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù với quân số tại hàng 493 người do Thiếu Tá Lã Qúi Trang làm TĐT, Thiếu Tá Trương Văn Vân làm TĐP, Đại Úy Nguyễn Hữu Viên Trưởng Ban 3, được cấp tốc không vận bằng C130 từ phi trường Tân Sơn Nhất đến Phan Rang để tăng cường lực lượng bảo vệ phòng tuyến. Trung Tá Phát liền xử dụng đơn vị nầy để kiện toàn an ninh cho phi trường và phối hợp với các đơn vị Địa phương quân trong việc giữ an ninh cho thị xả. Lực lượng nòng cốt để bảo vệ Phan Rang vẫn trông cậy vào các đơn vị Nhảy Dù. Với lực lượng mới được tăng cường và với sự yểm trợ không quân hữu hiệu, sự chỉ huy thống nhất, an ninh được tái lập, tình hình an ninh tại Phan Rang lắng dịu lại sau những ngày hỗn loạn.

Trong ngày, khi biết có tàu Mỹ đang lảng vảng ngoài vịnh Phan Rang để chở một số người, Trung Tá Lê Văn Bút dùng trực thăng đáp trên một trong những tàu đó để chào hỏi và cho biết hiện tình ở Phan Rang. Tiếp đón và trả lời những điều muốn biết trong lối 1/2 giờ, hạm trưởng thúc giục Trung Tá Bút rời tàu. Xuyên qua lời tường trình của Trung Tá Bút, rỏ ràng là trong thời điểm đó, Mỹ không còn có ý định dính líu gì nửa đến cuộc chiến đang diễn tiến.

Ngày 4/4/1975 Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chánh thức đến Phan Rang cùng với toán truyền tin kiểm thính đặc biệt thuộc Phòng 7 TTM, nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang, và thiết lập Bộ Chỉ Huy Tiền Phương trong căn cứ của Sư đoàn 6 Không quân, nằm vào lối 5 km Bắc Tây Bắc của thị xã Phan Rang. Ông cho biết là đã được thượng cấp chấp thuận gởi ra một số đơn vị chưa bị ảnh hưởng của việc rút quân để giữ Phan Rang. Bởi tin tưởng vào lời hứa hẹn nầy, nên Ông rất vui lòng đảm nhận chức vụ.

Vì địa thế của Phan Rang có nhiều thuận lợi cho việc phòng thủ, nên Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã quan niệm "Phải chống giữ mặt Bắc từ Du Long, mặt Tây từ Tân Mỹ và phải giữ an toàn cho căn cứ Không quân Thành Sơn, cũng như giữ an ninh cho Thị xả phối họp với một số đơn vị Địa phương quân còn lại.". Ông đã cho các đơn vị trấn ngự như sau:

Mặt Bắc, trên Quốc lộ 1 trấn giữ các điểm cao tại đèo Du Long với một dãy chiến tuyến hùng hậu do các đơn vị Nhảy Dù trấn ngự cùng các tuyến phụ tại Ba Râu và Ba Tháp để ngăn chận mọi cuộc tấn công hướng vào thị xả, hoặc vào căn cứ.

Mặt phía Tây, trên Quốc lộ 11, án ngữ tại vùng Tân Mỹ, một chiến tuyến để chận địch và bảo vệ mặt Tây và Nam của phi trường.

Bảo vệ an ninh cho thị xả và phi trường do các đơn vị chủ lực phối hợp với Địa phương quân phụ trách.

Ngày 3/4/1975, vài tin tức tình báo xác nhận VC xuất hiện ở Vườn Dừa, Ba Ngòi. Chúng nói với dân di tản vì có quân Nhảy Dù của ta ở phía trước nên chúng còn nấp chờ chi viện và khi lực lượng Nhảy Dù rút về Sàigòn, chúng sẽ vào tiếp thu Phan Rang. Các phi cơ quan sát được gởi lên bao vùng và chỉ điểm cho phi cơ A-37 đánh phá.

Tướng Times, phụ trách an ninh cho Tòa Đại Sứ Mỹ, đến thăm căn cứ và nói sẽ sắp xếp cho người của ông thường xuyên ở lại đây, để chuyển tin ngay về Tòa Đại Sứ.

Ngày 4/4/1975 Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Dù, với 2 Tiểu đoàn 7, 11 và Tiểu đoàn 1 Pháo binh cùng các Đại đội 2 Trinh sát, Công binh, Quân y, Truyền tin, Yểm trợ Tiếp vận lần lượt được không vận bằng phi cơ C130 và C119 từ phi trường Biên Hòa đến căn cứ Phan Rang để thay thế cho LĐ3ND. Trung tướng Nghi liền giao cho LĐ2ND nhiệm vụ chiếm các cao điểm và tổ chức tuyến phòng thủ tại Du Long mặt Bắc và tại Tân Mỹ mặt phía Tây, tập trung lực lượng khi cần để chận không cho địch vượt qua Du Long. Xử dụng Tiểu đoàn 5 Dù của LĐ3ND hiện có mặt tại căn cứ giữ an ninh cho phi trường. LĐ2ND ngoài nhiệm vụ phòng thủ Phan Rang còn thêm nhiệm vụ dò tìm các đơn vị thuộc LĐ3ND còn đang thất lạc trong vùng rừng núi Khánh Dương.

Cùng với cuộc chuyển quân của Lữ đoàn 2 Nhảy Dù, còn có các toán thám sát của Nha Kỹ Thuật đến hoạt động tại khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Phan Rang.

Theo phân tích của Bộ Tổng Tham Mưu Quân LựcVNCH, vào thượng tuần tháng 4/75, sau khi đã chiếm Nha Trang, Cam Ranh và các quận tỉnh Khánh Hòa, do bị thiệt hại nặng tại mặt trận Khánh Dương vì đụng độ với Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, Cộng quân cần phải bổ sung quân số, chưa đủ lực lượng để mở đợt tấn công lớn vào Ninh Thuận. Các tin tức tình báo nhận được cho biết sư đoàn 7 CSBV sau khi mở các cuộc tấn công vào Cao nguyên đã được điều động về hoạt động tại tỉnh Bình Thuận. Ngày 6 tháng 4 1975, sư đoàn 7 CSBV này đã khai triển lực lượng hoạt động tại phiá Tây Phan Thiết. Trong khi đó sư đoàn 3 CSBV và một vài đơn vị của sư đoàn 10 CSBV đóng cách Cam Ranh khoảng 50 km về hướng Tây Bắc.

Lữ đoàn 2 Nhảy Dù bảo vệ phòng tuyến Phan Rang.

Kể từ ngày 4 tháng 4 1975, phòng tuyến Phan Rang được bảo vệ bởi nỗ lực chính là Lữ đoàn 2 Nhảy Dù với các Tiểu đoàn 3, 7,11 Nhảy Dù, Đại đội Trinh sát 2 và các toán thám sát của Nha Kỹ thuật, lực lượng tiếp ứng này hoạt động tại hai khu vực Đông Bắc và Tây Bắc thị xã Phan Rang. Lữ Đoàn Trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy Dù là Đại tá Nguyễn Thu Lương. Ngoài 3 tiểu đoàn Nhảy Dù nói trên, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù còn được tăng cường Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù (đã tham chiến tại mặt trận Khánh Dương trong đội hình của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù), và Tiểu Đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù.

Sau khi bàn giao nhiệm vụ cho LĐ2ND, LĐ3ND được không vận về SàiGòn để chỉnh đốn lại đơn vị sau một thời gian dài tham chiến tại QK1 rồi QK2 với nhiều thiệt hại. Trung Tá Trần Đăng Khôi, LĐP LĐ3ND ở lại cùng TĐ5ND với nhiệm vụ chính là dò tìm các binh sĩ còn thất lạc tại mặt trận Khánh Dương.

Ngày 5/4/1975 khi đơn vị cuối cùng của Lữ đoàn 2 Dù đến căn cứ, Đại tá Lương dùng trực thăng bay quanh vùng thám sát trận thế và sau đó ông đã điều động các đơn vị Nhảy Dù giải tỏa đoạn Quốc lộ 1, từ Thị xã đến Du Long.

Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù (lực lượng tăng phái) tiếp tục bảo vệ phi trường, tung quân quanh các vùng phụ cận để càn quét các tên du kích ẩn núp đâu đó và sẵn sàng tiếp viện cho Đại Đội 2 Trinh Sát. BCH Tiểu Đoàn trấn ngự tại một đầu cầu hướng về Tân Mỹ trên QL 11 đề phòng cộng quân tấn chiếm từ phía Tây..

ĐĐ 2 Trinh Sát do Trung Úy Sáng làm Đại Đội Trưởng tiến về phía Tây phi trường khoảng 2 km tái chiếm một tiền đồn do lực lượng của Đại Hàn thiết lập khi xưa, hiện đã bị một Trung đội du kích VC tấn chiếm.

Tiểu Đoàn 3ND di chuyển bằng đường bộ từ phi trường tiến về phía Bắc dọc theo QL1 chiếm Ba Tháp rồi di chuyển khoảng 4 km đến Bà Râu để bắt tay với TĐ11ND.

Mở đầu chiến dịch, 3 Đại Đội 31, 32 & 34 dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Trương Văn Vân TĐP, dàn đội hình theo thế chân vạc; Đại Đội 32 của Đại Úy Đinh Quốc Tuấn đi cánh phải, còn 2 Đại Đội 31 của Đại Úy Lê Bá Tường và ĐĐ34 của Đại Úy Nguyễn Khoa Phúc đi cánh trái. TĐ3ND di chuyển theo những vạt lúa chín vàng hai bên QL1 khoảng 6 km thì tới Ba Tháp. Tại đây, Đại Đội 32 đã chạm súng với toán tiền sát của địch. Cộng quân lợi dụng 3 ngôi Tháp Chàm cổ tại đây để ẩn núp phục kích đơn vị xung kích của Nhảy Dù. Lực lượng Nhảy Dù phản công, xung phong tràn qua vị trí phục kích của địch quân. Sau 15 phút giao tranh địch quân bỏ chạy để lại tại trận 4 xác, tịch thu 4 AK.47, ta vô sự.

Sau đó, các Đại Đội TĐ3ND tiếp tục tiến về Ấp Kiền Kiền, thôn Ba Râu (núi Đá Mài), tung quân lục soát và trấn ngự qua đêm tại đây…Ngày 6/4 BCH/TĐ3ND cùng ĐĐ30 đến đóng quân tại Kiền Kiền cùng với Đại Đội 32. Riêng ĐĐ33 của Trung Úy Lâm Mora đến đóng quân chung với 2 Đại Đội 31&34 tại núi Đá Mài.

Ngày nầy, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù được SĐ6 Không Quân trực thăng vận đến phía Bắc của Ba Râu rồi tiến lên chiếm thôn Suối Đá, dưới chân ngọn đồi sừng sững mang tên “Núi Chúa”, và các cao địa trọng yếu hai bên QL1, đồng thời kiểm soát đoạn đường QL1 tại quận Du Long.

Tiểu Đoàn 7 ND tung quân lục soát và trấn ngự các cao điểm phía Bắc Phi Trường làm thành phần trừ bị cho LĐ2ND.

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù trưc tiếp yểm trợ hỏa lực cho Tiểu Đoàn 3ND tiến chiếm Ba Tháp và Ba Râu. Sau khi TĐ3ND chiếm được Ba Râu, TĐ1PBND di chuyển một Pháo Đội 105 ly đến Ba Râu để yểm trợ hỏa lực trực tiếp cho Tiểu Đoàn 11ND tiến chiếm Du Long.

Trưa ngày 6/4/1975 các đơn vị Nhảy Dù hoàn tất mọi công tác một cách tốt đẹp. Quân cộng sản rút lui vào hướng núi phía Tây Bắc hoặc chạy về hướng Bắc. Trên đường tiến quân, Tiểu đoàn 3 Dù đã đánh đuổi địch quân chạy tán loạn khỏi Ba Tháp và Ba Râu.

Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù sau khi đáp xuống phía Bắc Bà Râu, tiến dọc theo mạn phải QL1 chiếm giữ Du Long và thiết lập nút chận kiểm soát tại QL1. Để yểm trợ cho TĐ11ND tiến quân, hai Đại đội của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đã hoạt động dọc bên mạn trái QL1 để che cạnh sườn cho quân bạn. Tại nút chận Du Long Tiểu Đoàn 11ND đã bắt sống 7 xe Molotova chở đầy đồ tiếp tế thuộc đoàn hậu cần địch cùng một số quân lính VC, vì ngỡ Phan Rang đã bị chúng chiếm, nên cứ ngang nhiên di chuyển.

Tại mặt trận phía Tây, phần lớn của Tiểu đoàn 5 Dù đã trấn ngự đầu cầu hướng về Tân Mỹ, để ngăn ngừa VC tấn chiếm từ hướng nầy. Trong căn cứ, Đại Đội Trinh sát 2 Dù cũng đánh đuổi một số quân địch vừa lén lút xâm nhập và chiếm lại đồn Đại Hàn. Kết quả là trong ngày nầy, Phan Rang đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình vốn bị trì trệ từ khi Nha Trang và Cam Ranh thất thủ.

Trong ngày 9/4, Trung tá Lê Văn Bút, Không đoàn Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật, chỉ huy một đoàn 40 trực thăng HU-1B với 12 trực thăng võ trang cơ hữu cùng 8 trực thăng Chinook từ Biên Hòa biệt phái, lên Khánh Dương tìm kiếm và chở về các toán quân còn thất lạc của Lữ đoàn 3 Dù, thuộc các đơn vị Tiểu Đoàn 2 và 6 Dù cùng một số quân của Tiểu Đoàn 5 Dù khi mặt trận Khánh Dương bị tràn ngập.

Cùng đi có Trung Tá Trần Đăng Khôi, Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 3 Dù phụ trách liên lạc với các quân nhân thất lạc, chọn bãi đáp để bốc các toán nầy trở về. Bấy giờ khu vực Khánh Dương đã trở thành vùng địch kiểm soát, bay kèm theo có 2 phi đội A-37 yểm trợ.

Kết quả là đoàn trực thăng đã mang về đến căn cứ Phan Rang, hơn 600 người mà phần lớn là quân nhân của 3 đại đội TĐ6ND do Thiếu tá TĐP Trần Tấn Hòa chỉ huy; cùng 2 Đại Đội thuộc TĐ2ND của Thiếu Tá TĐT Trần công Hạnh, cùng một số thất lạc của Tiểu Đoàn 5 với một số ít dân sự chạy loạn đi theo. Toán nầy vào buổi chiều được chở toàn bộ vào Saigon. Đoàn trực thăng 60 chiếc đã phải bay qua vùng địch chiếm với mọi hiểm nguy và bất trắc khôn lường… Cuộc hành quân trực thăng vận thành công tốt đẹp.

Trong thị xã Phan Rang, Đại Tá Trần Văn Tự Tỉnh trưởng tiếp tục chấn chỉnh các phần vụ hành chánh, đồng thời lo chỉnh đốn hàng ngũ các đơn vị Địa phương quân. Ngoài thị xã, dân chúng hãy còn e dè ở lại, nhưng không tuôn chạy nhiều như những ngày trước. Cuộc sống có chỉ dấu trở lại bình thường, tạo nhiều phấn khởi.

Sau đó, BTL Tiền Phương Quân Đoàn 3 được tăng cường hai Trung Đoàn 4 & 5 / SĐ2BB và một số thiết vận xa để cũng cố vị trí phòng thủ cho mặt trận nầy.

Chiều ngày 9/4,Trung Đoàn 4 của Sư Đoàn 2 Bộ Binh, với quân số khoảng 450 người, từ Bình Tuy theo đường bộ vừa tới, được điều động thay thế TĐ5ND phòng thủ phía Tây Phi Trường Phan Rang và TĐ5ND được không vận về Biên Hòa để chỉnh bị đơn vi.

Các ngày 10 và 11/4/1975 tiếp theo, tình hình được yên tĩnh trong toàn bộ vùng Phan Rang. Bộ Tư Lệnh tiền phương đang trù tính kế hoạch chiếm lại Cam Ranh để sau đó lấy lại Nha Trang. Địch sau khi bị đuổi khỏi các địa điểm xâm nhập đang tập trung ém quân tại vùng Vườn Dừa ở Cam Lâm chờ đợi viện quân.

Đêm đêm, bên dãy núi phía Tây, Các chiến sĩ Dù nhìn thấy những ánh đèn pin lập lòe của đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đang di chuyển tiến sát bao vây phi trường. Thiếu tá Thành TĐT/TĐ11ND đã gọi pháo binh bắn suốt đêm nhưng vẫn không ngăn chận nổi. Vị trí phi trường Phan Rang nằm sát chân núi, là điểm phòng thủ rất bất lợi.

Ngày 12.4.75 bất trắc trong việc phòng thủ Phan Rang.

Lệnh từ Quân đoàn III cho biết sẽ rút Lữ Đoàn 2 Dù vào ngày 13.4.75 và thay bằng Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu Đoàn 31, 36 và 52 BĐQ, và Sư Đoàn 2 Bộ Binh với 2 Trung Đoàn 4 & 5, cùng 2 Pháo Đội và 2 Chi đội Thiết vận xa.

Liên đoàn 31 BĐQ vừa rút khỏi Chơn Thành, sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghĩ dưỡng quân và bổ sung, thì được tung ra tiền tuyến với quân số thiếu thốn trầm trọng.

Sư đoàn 2 Bộ binh cũng vừa tháo chạy từ Quảng Ngải, vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì được lịnh phải ra Phan Rang, trong khi cả đơn vị hảy còn hoang mang, dao động. Vì chưa kịp bổ sung thiết bị, đơn vị nầy phải thu lượm một số pháo và thiết vận xa để mang theo cùng với các Trung Đoàn ra Phan Rang bằng đường bộ.

Toán Truyền Tin Kiểm thính / Bộ Tổng tham mưu /Phòng 7 báo cáo vừa phát hiện rộ lên nhiều liên lạc vô tuyến của các đơn vị địch xung quanh Phan Rang.

Chuẩn tướng Lê Quang Lưởng Tư lệnh Sư Đoàn Dù và Trung Tướng Trần Văn Minh Tư lệnh Không Quân, cùng đến thám sát công cuộc phòng thủ. Cả hai vị đều tỏ ý bất đồng về việc điều quân nầy. Trung Tướng Minh nói để căn cứ không quân làm tiền đồn là sai lầm, vì khi hữu sự dưới lằn đạn pháo thì không thể sửa chữa, trang bị cho phi cơ có khả năng hành quân như yêu cầu được. Chuẩn Tướng Lưỡng cũng nói, muốn giữ Phan Rang làm bàn đạp để lấy lại Cam Ranh và Nha Trang, tại sao lại rút đơn vị đang chiến đấu tốt mà thay bằng 2 đơn vị đã từng vội vã rút quân và còn đang chờ đợi bổ sung quân số. Trung Tướng Nghi cũng bất ngờ vì không có được những đơn vị như đã hứa trước lúc ra nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy VC họp tại xóm nhà dân cạnh QL1 cách Phan Rang 4km để bàn kế hoạch đánh Phan Rang gồm Hoàng Minh Thảo, Tư Lệnh chiến dịch Tây Nguyên, Nam Long bộ chính trị, Hai Lê Bí Thư khu ủy 6, Ba Mỷ Tư Lệnh Phó Quân Khu 6, Nguyển Hửu Anh Tư Lệnh Phó Quân Khu 5, Trần Bá Khuê Tư Lệnh SĐ3CSBV, Mai Tần Tư Lệnh Phó SĐ3CSBV.

Ngày 13/4/1975 Đại tá Nguyễn Văn Biết, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân và 3 Tiểu Đoàn 31, 36 và 52 cũng vừa từ Biên Hòa tới bằng phi cơ C-130. Quân số Liên Đoàn gồm khoảng 1.000 người. Các đơn vị liền vội vã đến thay thế vào các địa điểm đóng quân của lực lượng Nhảy Dù tại Du Long và Ba Râu. Tiểu Đoàn 31 trám tại Du long, Tiểu đoàn 36 trám từ Ba Râu đến Cá Đú và Tiểu đoàn 52 làm trừ bị. Đang thay quân thì bắt đầu chạm súng với các toán thăm dò của địch.

Sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm cho các đơn vị bạn, Đại Tá Lương LĐT/LĐ2ND dự định cho BCH Lữ Đoàn cùng TĐ7ND được bốc đi trước, kế đến là TĐ11ND rồi TĐ3ND và sau hết là các đơn vị yểm trợ. Toàn bộ Lữ Đoàn sẽ di chuyển hoàn tất trong ngày 14/4 ngoại trừ TĐ1Pháo Binh phải lưu lại vài ngày để yểm trợ cho Liên Đoàn 31 BĐQ đến khi có đơn vị pháo binh khác đến thay thế.

Buổi chiều ngày 13/4, toàn bộ TĐ7ND và các thành phần trang thiết bị nặng của BCH/LĐ được chuyển vận về hậu cứ tại Biên Hòa. TĐ11ND cũng đã bàn giao nhiệm vụ phòng thủ Du Long lại cho đơn vị BĐQ. Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn cùng Đại Đội 113 và ĐĐ114 di chuyển vào trong phi trường. Hai Đại Đội còn lại do Thiếu Tá Giới TĐP chỉ huy đang chờ thay quân tại mạn phải QL1. Tiểu Đoàn 3ND vẫn còn trú đóng tại Ba Râu.

Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư Đoàn 2 Bộ binh, cùng Trung Đoàn 5 vừa đến Phan Rang với khoảng 400 quân, được giao nhiệm vụ bảo vệ mặt Nam căn cứ và phi trường vì Lữ đoàn 2 Dù đã hết nhiệm vụ và đã bàn giao với Trung đoàn 4 hôm trước. Lực lượng Pháo binh chỉ có 1 Pháo đội 105 ly hiện diện tăng phái cho Tiểu khu trong đó có một Trung đội đóng tại An Phước, phía Nam phi trường lối 10 km.

Thị xả được phòng vệ bởi khoảng 1 Tiểu Đoàn Địa phương quân còn lại. Cùng lúc, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, theo lệnh, đề cử Đại tá Trương Đăng Liêm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 giử chức vụ Tỉnh Trưởng Phan Rang thay Đại tá Trần Văn Tự.

Sau khi bàn giao khu vực quận Du Long cho Biệt động quân, BCH/TĐ11ND đang trên đường rút về phi trường thì Cộng quân bắt đầu khai hỏa pháo kích vào đơn vị BĐQ vừa nhận vị trí, vì chúng nhận được tin TĐ7ND đã rút về Sàigòn hôm qua. Do đó buổi tối, BTL/QĐ3 gởi công điện khẩn yêu cầu Lữ Đoàn Trưởng và BCH nhẹ của Lữ Đoàn 2 ND ở lại đi chuyến bay sau cùng.

Ngày 14/4/1975 để dự phòng cho những ngày tác chiến sắp tới, Bộ Tư lệnh Không quân cũng vừa gởi đến một phi cơ C-47 để tăng cường phương tiện hành quân cho Bộ Tư lệnh tiền phương.

Bên ngoài căn cứ, từ sáng sớm, địch lần lượt tung vài đơn vị cấp Đại đội, đánh thăm dò cơ cấu phòng thủ tại Du Long và Ba Râu. Một trong các đơn vị nầy đã xâm nhập được vào cổng số 2 phi trường về phía Bắc, lúc mờ sáng. Tình hình đã thay đổi, TĐ11ND và TĐ3ND phải ở lại chống trả áp lực địch. Phi cơ trực thăng tuần tiểu phát hiện, cùng với trực thăng võ trang và 2 chiếc Thiết vận xa yểm trợ cho một bộ phận của Tiểu đoàn 11 Dù đang chờ phi cơ về hậu tuyến, được gởi ra tiêu diệt toán xâm nhập nầy.

Vùng đất phía ngoài Cổng Số 2 khá trống trải, nên thiết vận xa và trực thăng võ trang đã yểm trợ rất hữu hiệu. TĐT Thành điều chỉnh pháo binh bắn dọn đường vào các điểm nghi ngờ; vừa tới ngoài rào phi trường thì địch quân khai hỏa xối xả.

Một chiếc M113 bị B40 bắn cháy, các chiến binh Nhảy Dù đồng loạt xung phong tấn công ào ạt, trực thăng yểm trợ cất cánh trong phi trường đã bắn vào cánh quân địch đang giao tranh với 2 Đại Đội Dù. Các phi tuần A37 oanh tạc vào các vị trí súng cối của chúng tại chân núi sát phi trường, Cộng quân cũng dùng các khói màu để lừa phi cơ yểm trợ.

Các chiến sĩ Dù dùng lựu đạn và lưỡi lê đánh cận chiến, với sức chiến đấu quá dũng cảm của TĐ11NDD, địch tổn thất rất nhiều, khiến địch hoảng sợ bỏ chạy rút vào rừng để lại hơn trăm xác chết và tịch thu được 80 súng đủ loại trong đó có 2 súng cối 82 ly và một 75 ly không giật. Bên ta có 6 chiến sĩ bị thương vong, 1 Thiết vận xa M113 bị bắn cháy. Trung Tướng Nghi tưởng thưởng ngay huy chương Anh dũng bội tinh cho các quân nhân hữu công.

Khoảng trưa, Tướng Nghi, Tướng Sang cùng Đại tá Lương chạy xe thong thả từ phi trường đến Ba Tháp, Ba Râu và Du Long thị sát công việc phòng thủ. Tại Du Long Tướng Nghi có tập họp và trấn an một số Binh Sĩ có mặt tại đây.

Tóm lại, mặc dầu hôm nay có các cuộc đánh thăm dò của địch, mặt trận Phan Rang vẫn đứng vững như những ngày qua.

Trận chiến tại phòng tuyến Phan Rang16/4/1975

Ngày 15.4.1975 từ sáng sớm địch liên tục pháo từng chặp vào phi trường. Buổi chiều khoảng 2 giờ, có phái đoàn của Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Đoàn 3 đến thị sát mặt trận. Sau khi thăm thị xả, nghe Tướng Nghi thuyết trình tình hình và ghi nhận các đề nghị, Trung Tướng Tổng Trưởng Quốc phòng tỏ vẻ chú trọng đến việc phòng thủ Phan Rang cùng tái chiếm lại Cam Ranh và hứa sẽ tìm mọi cách bổ sung đầy đủ mọi trang thiết bị thiếu hụt.

Tại Trung tâm thị xã, lực lượng phòng thủ là Trung Đoàn 5/Sư đoàn 2 BB và một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân thuộc Tiểu khu Ninh Thuận.

Hệ thống bảo vệ từ xa của phòng tuyến Phan Rang do Liên đoàn 31 Biệt Động Quân, 1 tiểu đoàn Pháo binh, 1 chi đoàn M 113 phụ trách, đã bị Cộng quân khởi sự tấn công từ ngày 14/4/1975.

Trong khi Bộ Quốc phòng VNCH đang tìm cách để cung cấp các vũ khí tối cần thiết cho các đơn vị tại chiến trường thì tại mặt trận Phan Rang, Cộng quân tung 3 sư đoàn 325, 968 và SĐ3CSBV tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã.

Tại Ấp Ba Râu, sáng sớm ngày 15/7 Cộng quân đã bắt đầu pháo kích dữ dội quận đường Du Long ( quân đường di tản) do một Tiểu Đoàn ĐPQ bảo vệ, bằng đại pháo 130 ly. Đến 8.00 giờ sáng thì toàn bộ ấp Ba-Râu tan hoang và bốc cháy khắp nơi. BCH/Tiểu Đoàn 3 Dù liên lạc với 3 đại đội đóng quân tại núi Đá Mài mạn trái QL1 do Thiếu Tá Vân TĐP chỉ huy thì được biết địch quân đông như kiến, có cả tăng và pháo, đang bao vây nhưng không tấn công vào vị trí của ta. Lực lượng ND tìm cách tràn xuống đường thì địch quân dùng đủ loại hỏa lực mạnh nhất phản công do đó cánh quân Dù nầy phải lui về vị trí phòng ngự và từ đó cánh quân nầy không liên lạc được với BCH Tiểu Đoàn vì tần số liên lạc liên tục bị phá sóng..

Lúc 9.30 giờ, sau khi dập nát Ba Râu, địch quân chuyển pháo sang ấp Kiền Kiền, nơi vị trí đóng quân của BCH / TĐ3ND. Quả pháo đầu tiên của cộng quân đã kết liễu cuộc đời binh nghiệp hào hùng của Đại Úy Đinh Quốc Tuấn, một Sỉ quan trẻ tuổi tài ba, đẹp trai, còn độc thân, đánh giặc rất gan lì, ra trường Bộ Binh Thủ Đức cuối năm 1970, hiện đang nắm ĐĐT/ĐĐ32ND.

Tất cả dân trong ấp đều bồng bế nhau di tản, địch quân pháo càng lúc càng gia tăng cường độ ác liệt.. Hầm TOC (Trung tâm Hành quân ) bị sập, nhiều quân nhân ND bị thương vong. Thiếu Tá Lã Quí Trang TĐT ra lịnh cho đơn vị di tản lên núi Hòn Bà để tránh pháo địch.

Khoảng 11.30 giờ, một đoàn xe 16 chiếc GMC, chở đầy Quân nhân TĐ36BĐQ đổ xuống ấp Kiền Kiền để trám vào vị trí của BCH/TĐ3ND trong khi khói lửa vẫn còn mù mịt và pháo địch vẫn còn “cấm chỉ” để không ai có thể cản bước tiến quân của chúng. Sau khi đổ quân, đoàn quân xa quay đầu trở lại hướng thị trấn Phan Rang thì đoàn quân cũng bắt đầu chạm địch. Cộng quân đã dùng tất cả hỏa lực tăng, pháo và bộ binh tấn công và bao vây TĐ36BĐQ vừa mới dừng quân chưa kịp tổ chức phòng thủ.

Trong khi Cộng quân dùng Tăng và pháo áp đảo cầm chân các đơn vị VNCH đang thay quân tại Du Long và Ba Râu, và cũng để né tránh đụng độ với lực lượng Nhảy Dù phòng thủ dọc quốc lộ I, Cộng quân lén di chuyển trong rừng núi từ hướng Tây và Tây Bắc, chúng cho bọn đặc công đi dò dẫm dọn đường để lực lượng chánh qui gồm các SĐ325, SĐ3 Sao Vàng và SĐ968 theo sau, rồi bất thần ào ạt tràn ngập xuống cánh đồng lúa chín vàng dọc theo QL1 hướng về phía Nam tiến về thị xã Phan Rang và Phi Trường Thành Sơn.

Khoảng 2.00 giờ chiều ngày 15/4 cánh quân của TĐ11ND gồm 2 Đại Đội do Thiếu Tá Nguyễn Văn Giới, TĐP chỉ huy từ Du Long di chuyển qua ấp Kiền Kiền (vị trí của BCH/TĐ3ND, Thiếu Tá Trang TĐT/TĐ3ND có đề nghị 2 đơn vị kết hơp để chiến đấu, nhưng Th/Tá Giới bảo là đã nhận lịnh đi đến Cảng Ninh Chử) rồi lần xuống bãi biển, tẻ sâu về hướng Nam dọc QL1 và tại đây họ không còn thấy Giang đoàn 27, chiến hạm WHEC cùng bất cứ chiếc tàu nào khác tại cảng Ninh Chử. Mãi tới chiều ngày 16/4, đến một bãi cát xa hơn về hướng Nam của thị xả là Thôn Phú Qúy, đơn vị Dù nầy, gặp và kháng cự với một toán quân địch khác đến bao vây. Sau khi thoát vòng vây với ít nhiều tổn thất, cánh quân Tiểu đoàn 11 Dù nầy được một đoàn trực thăng, bốc về an toàn. (Đoàn trực thăng cấp cứu nầy, dự trù đón Bộ tư lệnh tiền phương, nhưng vì Trung Tướng Nghi không thuận cho đáp vì lý do an toàn bãi đáp, nên trên đường trở về, mới bốc được toán Dù trên.)

Trong khi đó đến 6.30 chiều ngày 15/4, BCH/TĐ3ND không thể chờ đợi cánh quân phía trái QL1 vì chiến xa địch gầm thét mỗi ngày một gần, Thiếu Tá TĐT ra lệnh cho đơn vị còn lại rút quân đến mỏm phía Tây của núi Hòn Bà. Kiểm điểm lại BCH/TĐ và Đại Đội 32 chỉ còn có 73 người luôn cả Thiếu Tá Trang TĐT, Đại Úy Viên Trưởng Ban 3 và Thiếu Úy Đông, Quyền ĐĐT/ĐĐ30.

Đến 8.30 giờ đêm, một đoàn xe tăng 50 chiếc T54 của CSBV từ Cam Ranh chạy trên QL 1, hướng về Phan Rang, đến ngã 3 thôn Mỹ Nhơn đoàn tăng nầy tấp vào đậu bên trái QL1 đối diện với BCH/TĐ3ND đang ém quân tại triền núi Hòn Bà.

BCH/TĐ3ND tức khắc liên lạc xin phi pháo oanh tạc. Chờ đến nửa giờ sau, hai chiếc phi cơ A37 xuất hiện ném 4 quả bom chính xác vào vị trí của địch đang dừng quân, chiến xa địch bị bốc cháy, tiếp theo là những tiếng nổ phụ của bom đạn kéo dài trên nửa giờ. Cánh quân TĐ3ND sau đó lặng lẽ rút lên cao hơn để tránh tầm tác xạ của chiến xa.

Từ chiều ngày 15/4 trở đi, Trung tướng Nghi liên tiếp nhận được tin tức cho biết địch sẽ tập trung tấn công Phan Rang lúc 5 giờ sáng. Địch sẽ tiến quân theo đường rầy xe lửa và dọc theo quốc lộ 1 cùng với 300 chiến xa, phát xuất từ rừng dừa ở Ba Ngòi. Biết ý định của địch, Trung tướng Nghi báo động ngay mọi nơi đề phòng, đặc biệt là Liên đoàn 31 Biệt Động Quân có nhiệm vụ án ngữ ở Du Long.

Đúng như nguồn tin kiểm thính, sau 8 giờ tối địch gia tăng cường độ pháo vào phi trường, đồng thời cho di chuyển suốt đêm rất nhiều đoàn xe chở bộ binh, thiết giáp, pháo binh v.v…Chúng cố tìm mọi cách vượt qua đồi Du Long, chủ yếu chỉ để tràn qua tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân mà tiến nhanh về hướng Nam. Tiểu đoàn 31 đã ở tại chổ chiến đấu gan dạ mặc dầu đoàn xe địch đã vượt qua được.

Liên tục bị oanh kích, đoàn cơ giới của địch tẻ xuống đường, tắt đèn và lại tiến tới. Phi cơ A-37 không ngớt tung xuống nhiều đợt oanh tạc ngăn chăn, nhưng vì không đủ phương tiện hỏa lực, soi sáng và hỏa long, nên chúng vẫn tràn qua, sau khi bị tổn thất khá nặng nề. Bên ta có 4 A-37 bị bắn bể bình xăng phải về đáp. Trận nầy Không Đoàn 92/Chiến thuật đã tung toàn lực phi cơ cơ hữu kể cả 4 A-1 của Phi đoàn 530. Các đơn vị bộ chiến cứ liên miên chạm địch nên cấp số đạn dược mang theo đã gần cạn, BTL tiền phương đã gởi nhiều công điện khẩn cấp cầu cứu về Quân Đoàn 3 nhưng chẳng thấy hồi âm.

Trong khi đó thì pháo binh của CSBV liên tục nả vào phi trường Thành Sơn. Đến 4.00 giờ sáng ngày 16/4/1975, pháo binh CS bỗng im bặt ngưng tác xạ, một chiếc phi cơ C130 màu tối đen từ từ đáp xuống phi đạo, đèn đóm vẫn chiếu sáng chang. 15 phút sau, chiếc C130 cất cánh bay đi, pháo binh CS lại tiếp tục pháo tới tắp.

Các mặt trận liên tục báo cáo: địch quân đang xử dụng hàng đoàn xe để đèn sáng chạy từ Du Long tràn xuống. Cuối cùng, đoàn xe tắt đèn vượt qua Ba Râu, và chiếm thị xã lúc 7 giờ sáng ngày16.4.1975.

Tại Phi Trường Thành Sơn, lúc vừa sáng sớm, địch quân lẻ tẻ xâm nhập vào cổng số 2 của phi trường về hướng Bắc và kho bom ở hướng Tây. Đến khi phòng không của CSBV bắn trúng chiếc phi cơ quan sát O-1 vừa cất cánh quan sát hành quân, phải trở lại đáp khẩn cấp, chúng bắt đầu gia tăng pháo kích.

Để dọn đường cho bộ binh tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã, Cộng quân đã pháo liên tục vào các vị trí phòng ngự vòng quanh căn cứ Không quân, đồng thời bắn phá dồn dập vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo để không cho phi cơ chiến đấu của Sư đoàn 6 Không quân cất cánh.

Cùng lúc đó, Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 CS được tăng cường xe tăng, thiết giáp cùng với Sư đoàn 3 Sao Vàng và Trung đoàn 25 từ ba hướng tiến công vào trung tâm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Lúc bấy giờ đại đa số cư dân Phan Rang đã di tản vào Nam, thị xã chỉ còn lại quân nhân, cảnh sát và một số công chức. Lực lượng phòng thủ thị xã chống trả quyết liệt, nhưng do Cộng quân quá đông nên các tuyến phòng thủ trung tâm thị xã đều lần lượt bị chiếm. Thị xã Phan Rang thất thủ vào lúc sáng sớm.

Mặt khác, Cộng quân lại tung một Trung Đoàn cắt đứt đường giao thông trên Quốc lộ 1 ở khu vực Cà Ná cách thị xã Phan Rang khoảng 48 km về hướng Tây Nam cốt để chặn đường rút quân của các đơn vị VNCH.

Khoảng 8.00 giờ sáng ( 16/4). Đại tá Biết Liên Đoàn Trưởng LĐ31BĐQ, báo cáo là Du long đã bị tràn ngập và địch đã vào thị xã khiến cho Trung tướng Nghi phải tìm phương thế thích nghi. Trung tướng Nghi mời Chuẩn Tướng Tần Văn Nhựt vào để duyệt xét tình hình. Tướng Nhựt cho biết các đơn vị của ông đang chạm địch và sau đó Ông đi thị sát mặt trận tại nơi trách nhiệm của đơn vị mình.

Trong khi Trung đoàn 4 Bộ Binh án ngữ bên ngoài phía Tây của phi trường và Trung đoàn 5 ngăn chận địch tràn lên từ thị xã, thì bên trong căn cứ tình hình bắt đầu có chiều hướng bất lợi. Địch vẫn giữ mức độ pháo kích quấy rối từng chập. Nhân có các khoảng trống giữa những đợt pháo kích, một số lớn phi cơ đã rời căn cứ. Còn lại chỉ có một số rất ít trực thăng võ trang và tản thương ở lại đến phút chót.

Khoảng 9.00 giơ sáng, một trực thăng võ trang bị hỏa tiễn phòng không SA.7 bắn tại ngọn đồi gần phi trường. Trung Đoàn 4 báo cáo đang chạm địch. Trong lúc đó xe tăng địch quân đã lảng vảng ở cổng phi trường số 1. Đại Tá Lương phải điều động đơn vị Trinh Sát 2 Dù của Trung Úy Sáng bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương thanh toán các toán VC lẻ tẻ chạy lạng quạng gần khu vực bên trong phi trường. Đến lúc nầy, Trung tướng Nghi vẫn tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Trung đoàn 4 bảo vệ phi trường và Trung đoàn 5 án ngữ ngăn chận địch tràn vào cổng số 1 của căn cứ.

Đến khoảng gần 10 giờ, khi tiếng súng càng lúc càng dồn dập, Tướng Nghi liền họp cùng Tướng Sang, Đại tá Lương để tái duyệt xét tình hình. Vì lẽ mặt trận đã bị thủng từ Du Long và địch đang hăm dọa căn cứ nên Trung Tướng Nghi dự tính sẽ dời Bộ Tư lệnh Tiền phương về Cà Ná để lập tuyến phòng thủ mới. Nếu địch chọc thủng được phòng tuyến bảo vệ phi trường, BTL Tiền Phương và các đơn vị sẽ rút đi khỏi phi trường từ cổng số 1 và Trung đoàn 5 sẽ là đơn vị hộ tống.

Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành nhận lệnh điều động TĐ11ND (-) mở đường tiến về cổng sau phi trường để hộ tống toàn bộ BCH tiền phương QĐ3 và BCH/LĐ2ND rút ra khỏi phi trường Thành Sơn và đi về hướng Phan Thiết..

Bấy giờ VC đã tràn vào bên trong phi trường, chúng chạy khơi khơi trên phi đạo, mình ngụy trang đầy cây lá. Lực lượng SĐ2BB trách nhiệm bảo vệ căn cứ đã rút đi mất hết, vị trí phòng ngự đã bị bỏ ngỏ và BTL Tiền Phương không thể liên lạc được với họ. Trung Tá Trần Văn Sơn, lữ Đoàn Phó LĐ2ND, phải điều động các binh sỉ Đại Đội công vụ LĐ2ND cố gắng. ngăn chận không cho địch tiến vào BCH hành quân, nhưng Ông đã hy sinh vì bị trúng nguyên một băng đạn AK-47 vào bụng.

Khoảng 10.30 giờ sáng, mãi đến khi các toán quân địch sắp tiến vào Bộ Tư lệnh Tiền phương thì Trung Tướng Nghi mới ra lịnh rời căn cứ bằng đường bộ, từng đơn vị theo đơn vị trưởng mình rút theo hướng Nam về Cá Ná để lập phòng tuyến mới. Trung tướng Nghi, Chuẩn Tướng Sang, Đại Tá Lương, Ông Lewis (ông nầy nói tiếng Việt rất lưu loát) chuyên viên Tòa Đại sứ Mỹ cùng các quân nhân của Bộ Tư lệnh Tiền phương, Sư đoàn 6 Không quân, BCH/Lữ Đoàn 2 Dù cùng các toán quân lẻ tẻ của Liên Đoàn 3I Biệt Động Quân lối 700 đến 800 người rời căn cứ tiến ra cổng số 1 về hướng Nam. Một Trung Đội Công Binh Dù đả dùng chất nổ phá hàng rào để đoàn người di chuyển về hướng núi Cà Đú.

Lúc đó Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư-Lệnh SĐND, đang bay trên trời, thấy tình hình sôi động ông định đáp xuống để trấn an anh em binh sĩ. Tướng Lưởng là một vị Tướng gan dạ và trầm tĩnh, đã từng sống chết với các chiến sỉ Nhảy-Dù trong chiến cuộc VN.

Thiếu Tá Thành nghe “Lê-Lợi” gọi Đại Tá Lương không được (có lẽ trục trặc máy móc) anh bốc ống liên hợp trả lời :

– Trình Lê-Lợi, còn gì để đáp xuống, phi trường đã bị tràn ngập..

– Anh bảo Ông Lương cố gắng cầm cự, tôi sẽ về SàiGòn tăng cường quân ra. (nhưng quá trể rồi, đâu còn phương tiện chuyển vận và trang thiết bị như thuở nào của một binh chủng hào hùng bật nhất của QL/VNCH ).

Sau đó Ông đã liên lạc được với Đại Tá Lương và vị LĐ Trưởng đã khuyến cáo ông đừng xuống vì phi trường đã bị địch quân tràn vào và quân ta còn đang chống trả.

Thiếu Tá Thành bây giờ chỉ huy lực lượng lui binh. Ông cho lệnh Đại Úy Long dẫn ĐĐ 114ND đi đầu mở đường và đoạn hậu là ĐĐ113ND của Tr/Úy Phạm Đức Loan. Đại Đội Công Binh và ĐĐ2 Trinh Sát ND cầm chân không cho địch đuổi theo BTL/QĐ3 và BCH nhẹ LĐ2ND cùng bộ tham mưu, Anh em nghĩa Quân, Không Quân, Địa Phương Quân và dân chúng đi theo.

Đoàn quân di chuyển trật tự đến cổng số 1 khoảng 11 giờ. Tại đây, vì không liên lạc được với Chuẩn Tướng Nhựt, và cũng không gặp được Trung Đoàn 5 như dự định, nên Trung Tướng Nghi quyết định theo đường rào phía Nam, di chuyển dọc theo đường từ Tour Chàm đến ngã ba An Phước. Đoàn quân an toàn đến Thôn Mỹ Đức lúc 12 giờ trưa.

Tại phi trường, khi đoàn quân của Trung Tướng Nghi di chuyển khá xa, thì Sư đoàn 325 VC phối hợp với Sư đoàn 3 VC cùng Sư Đoàn 968 tấn công và chiếm phi trường lúc 11,30 giờ trưa.

Thiệt hại của Sư đoàn 6 không quân rất đáng kể vì mất toàn bộ kho bom đạn và các trang thiết bị phụ thuộc, với lối 10 phi cơ đủ loại không bay được. Tuy nhiên tổn thất hành quân tương đối là nhẹ: 1 A-37 rớt, 4 A-37 bị bắn về đáp an toàn, 2 trực thăng cháy, 1 phi cơ quan sát cùng khá nhiều trực thăng bị bắn nhưng về đáp được an toàn.

Tại Thôn Mỹ Đức lúc khoảng 4 giờ chiều, Trung Tướng Nghi được toán truyền tin của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù cho hay có 1 đoàn phi cơ xin xác nhận vị trí để xuống bốc. Lúc bấy giờ, với một đoàn người gần 700 quân nhân và thân nhân nên khó bốc hết được, vả lại khi trực thăng đến, khó lòng mà giữ được trật tự, chắc chắn sẽ tạo hỗn loạn làm lộ mục tiêu giúp địch đến vây bắt. Vì vậy Trung Tướng Nghi quyết định vì sự an toàn cho đồng đội, từng khổ cực chiến đấu với nhau mà không vì an toàn cho bản thân, nên ra lịnh toán cứu cấp đó không nên đáp, và chỉ nên đến ngày hôm sau, tại một địa điểm xa hơn về phía Nam. Và sau đó Đại Tá Lương ra lệnh cho tất cả bố trí dọc theo ruộng mía chờ đêm tối di chuyển vượt sông Dinh về hướng Nam.

Bắt đầu từ 5.30 sáng ngày 16/4, BCH/TĐ3ND vì không thể đợi cánh quân bên trái QL1 do Thiếu Tá Vân chỉ huy được, từ đỉnh núi Hòn Bà BCH bắt đầu di chuyển về hướng Đông mãi tới tối ngày 18/4 mới tới được bờ biển. Đến 11.00 giờ sáng ngày 19/4, TĐ3ND liên lạc được với Đại Tá Trương Vĩnh Phước Tư Lệnh Phó SĐND đang bay trên một chiếc C47 ở ven biển. Sau khi cho vị trí điểm đứng, đến 4.00 giờ chiều, một đoàn trực thăng bay là là sát mặt biển vào bốc hết toán quân 73 người ra đảo Phú Qúy lấy thêm xăng rôi đưa về phi trường Phan Thiết.

Buổi chiều tối ngày 19/4, đoàn trực thăng bốc 73 chiến sĩ /TĐ3 Nhảy Dù phải đáp xuống phi trường Phan Thiết để lấy thêm nhiên liệu. Tất cả quân nhân phải rời phi cơ. Sau khi lấy nhiên liệu xong các quân nhân ND lại tiếp tục lên đường. Thiếu Tá Trang ra lịnh cho Đại Úy Viên phải đi chuyến bay sau cùng để kiểm điểm cho tất cả mọi người đều lên phi cơ…

Khi chuyến bay sau cùng chuẩn bị cất cánh thì cộng quân bắt đầu pháo vào phi trường và chiếc phi cơ nầy bị trúng mảnh đạn không thể cất cánh được, đèn báo động chớp liên hồi. Phi hành đoàn bèn gọi một gunship quay trở lại đón họ, còn 11 quân nhân Nhảy Dù kể cả Đại Úy Viên còn kẹt lại giửa phi đạo.

Liên lạc với BCH/TĐ không được (có lẽ phi cơ đã đi xa quá tầm liên lạc của máy PRC.25) Đại Úy Viên cho lịnh 10 Quân nhân ND vào phòng đợi cùa Phi Trường Phan Thiết. Tại đây họ gặp đơn vị Tiểu Đoàn 64 BĐQ vừa từ Ban Mê Thuột di tản về và được chỉ định bảo vệ phi trường. Tiểu Đoàn Trưởng 64BĐQ là Thiếu Tá Đàng và TĐP là Thiếu Tá Phước. Các Binh sỉ Nhảy Dù được “mời” qua nhà bếp xơi một bữa cơm thịnh soạn vì ba ngày qua họ đã nhịn đói.

Đại Úy Viên đang ngồi suy tính : “mình không có bản đồ vùng nầy, bọn VC tấn công vào phải làm sao đây?” Bỗng có một ông Trung Úy BĐQ chạy vào hô to, các Anh Nhảy Dù đâu rồi, chạy đi thôi, VC nó đã chiếm Tỉnh lỵ Phan Thiết rồi, ở đây không xong đâu. Đại Úy Viên có hỏi Tiểu Đoàn Anh đi về hướng nào? Anh ta cho biết Tiểu Đoàn Phó dẫn 2 Đại Đội trách nhiệm canh gác ngoài cổng phi trường chạy dọc theo QL1 xuôi Nam rồi, còn Thiếu Tá TĐT đã vòng qua cuối phi đạo đi xuống hướng bờ biển. Sau đó Anh Trung Úy cùng 2 người lính BĐQ cấm đầu bỏ chạy, lúc nầy là 9.15 giờ đêm 19/4/1975.

Toán Nhảy Dù của Đại Úy Viên còn 11 người, lúc 8.00 giờ tối, một Binh sĩ đã xin phép về ghé qua nhà ngoài Tỉnh lỵ Phan Thiết để thăm Cha Mẹ, vì hai năm nay từ ngày đầu quân anh không có dịp về thăm.

9.20 giờ đêm, Đại Úy Viên dắt 9 binh sĩ còn lại băng qua phi đạo nhắm hướng biển mà đi. Đúng như Anh dự đoán, phía sau TTHL/ĐPQ cạnh phi đạo, tuột xuống khoảng 100m là bờ biển. Đại Úy viên ra lịnh cho các Binh Sĩ phải đeo sát nhau kẻo bị lạc, 3 máy PRC25 phải cẩn thận đừng để hư hỏng. Chỉ để một chiếc mở máy trên tần số của BTL/SĐND còn 2 chiếc còn lại vặn tắt để tiết kiệm điện trì.

Toán Nhảy Dù lần chạy cách bờ biển khoảng 4 đến 5 thước hướng về phía Nam vì đi như vậy đỡ phải chồn chân và có nước để uống cầm hơi. Chạy được khoảng 3 km thì bắt kịp 3 Đại Đội BĐQ của Thiếu Tá Đàng. Thiếu Tá Đàng muốn phối hợp với Đại Úy Viên để bàn kế hoạch di chuyển. Nhưng Đại Úy Viên trả lời “Thiếu Tá còn quân đông nên tránh vô trong lợi dụng đêm tối mà di chuyển, còn chúng tôi chỉ còn 10 với 6 khẩu M16, một colt, 3 máy PRC25 và hơn nữa chúng tôi không còn sức để chiến đấu lâu dài. Vậy để chúng tôi cứ chạy sát bờ nước bên ngoài nầy nếu gặp VC phục kích chúng tôi sẽ cùng nhào lên một lượt để giải quyết trận chiến chứ không còn giải pháp nào khác để chọn lựa.”

Toán của Đại Úy Viên tiếp tục chạy suốt đêm đến 6.00 giờ sáng ngày 20/4/1975 thì thấy ngọn hải đăng tại mũi Kê Gà thuộc địa phận tỉnh Bình Tuy. Đại Úy Viên cho cả toán dừng chân nghỉ ngơi. Trong lúc ăn uống, Đại Úy Viên lấy máy PRC25 dò tìm các đài bạn. Bỗng nhiên nghe được một đài rất rõ ràng: “Hải Âu đây Hải Đăng…” Đại Úy Viên bèn dùng bạch văn chen vào hệ thống xưng danh ND và yêu cầu đài Hải Đăng tiếp chuyển lời cầu cứu về BTL/SĐND.

Chờ khoảng 5 phút Hải Đăng trả lời bảo :“Ông già của Anh (Chuẩn Tướng Lưỡng) hiện đang ở tại tòa tỉnh Bình Tuy, 30 phút nữa chuồn chuồn sẽ đến với các Anh.”

Sau đó không lâu một trực thăng chở Trung Tá Lê Văn Mể Trưởng Phòng 3 SĐND đến bốc hết 10 chiến binh Nhảy Dù nầy về tòa tỉnh Bình Tuy đúng 1.00 giờ trưa và Đại Úy Viên vào trình diện Chuẩn Tướng Tư Lệnh SĐND tường trình diễn tiến.

Cuối đời chiến binh:

Lúc 9 giờ tối ngày 16/4, dưới sự hướng dẫn của Đại Tá Lương, đoàn người thuộc BTL Tiền Phương QĐ3 bắt đầu rời Thôn Mỹ Đức. Chưa đi được bao xa thì bị địch phát hiện và bao vây. Nhờ trời tối, hai đại đội Nhảy Dù bắt đầu xung phong đột phá vòng vây; một trận cận chiến diễn ra khốc liệt. Các chiến sĩ Nhảy Dù nhận được lịnh xung phong càn qua xác địch và trực chỉ hướng Phan Thiết. Tr/Úy Loan dẫn Trung đội 1 đi đầu, binh sỉ nhào lên pháo tháp tăng của địch tung lựu đạn tiêu diệt xạ thủ bên trong. Trung Đội 2 và 3 dàn hàng ngang dùng M72 và MX202 tiêu diệt 3 chiếc khác kế bên. Địch hốt hoảng, bắn loạn xạ, bất ngờ một một loạt AK47 bắn trúng ngực Loan, khiến người Anh bị tung ngược về sau. Thành nhảy lên kéo Anh về đường thông thủy và Anh chỉ nghe được tiếng thì thào trăn trối lần chót của người đại đội trưởng dũng cảm đã từng theo Anh lập nhiều chiến công cho TĐ11ND.

– Vĩnh biệt đích thân…

Thở ra vài hơi, Loan nói trong nghẹn ngào:

– Nhắn với Vợ Con em là em nhớ thương họ vô cùng !

– Vĩnh… biệt !

Thành tức giận điều động toàn bộ binh sỉ tiểu đoàn còn lại, quyết tâm tận diệt để rửa hận. Nhưng trong lúc hăng hái xung phong, một mảnh lựu đạn đã sớt qua mặt và tay làm máu chảy ra ướt mờ cả mắt. Thành bảo sỉ quan ban 3 điều động các binh sĩ thuộc cấp rút đi, hảy để Anh cùng các chiến sĩ bị thương ở lại đoạn hậu kẻo liên lụy chung cả đám. Nhưng các đàn em làm sao bỏ được Ông Thầy.

– Ông Thầy không thể ở lại, tụi em dìu Ông Thầy đi !

Thiếu Tá Thành báo với đại tá lữ đoàn trưởng rằng ông đã bị thương, nhờ ông dìu dắt đoàn quân, anh không còn khả năng chỉ huy. Các chiến sĩ Dù là những người từng trải trong chiến trận, lợi dụng đêm tối, từng tổ một phân tán rút về hướng Phan Thiết.

Đại Tá Nguyễn Thu Lương cho toán khinh binh Nhảy Dù mở đường. Đoàn quân đi được hơn 500 thước thì thấy xác địch ngổn ngang dọc 2 bên đường. Cộng quân chẳng canh gác gì cả, có lẽ quá mệt mỏi do nhiều ngày di chuyển từ xa và phải chiến đấu triền miên.

Bất ngờ trên 2 chiến xa có đại bác phòng không 37 ly; lúc đó có một tên đang ngồi hút thuốc lá… Thấy tiếng động, hắn bấm đèn Pin và hỏi:

– Ai đó ?

Toàn thể chiến sĩ Dù khai hỏa và hô xung phong tràn qua, dẫm cả bọn bộ đội đang nằm ngủ; rồi chạy băng qua đường tiến vào vùng rậm rập hướng về sông Dinh.

Trong khi rút chạy mọi người nghe rõ tiếng địch la ó lung tung, những khẩu phòng không bắn ria bậy loạn xạ, làm lá cây, lá dừa rụng rơi tơi tả. Các chiến sĩ Dù co mình chạy băng qua đường nhựa, tới khu lò đường gần bờ sông Dinh. Tạm thời dừng lại để cho khinh binh đi thám sát con sông trước mặt (có một số tổn thiệt vì bị địch bắn vói theo).

Đại Tá Lương dẫn đoàn người (đủ mọi thành phần) qua sông được hơn 200 người, kiểm lại thì không thấy Tướng Nghi, Tướng Sang, và ông Lewis. ĐT Lương và toán binh sĩ Nhảy Dù phải trở lại chỗ cũ, đến gốc cây xoài lớn cách đường thông thủy khoảng 50 thước, thấy hai vị tướng và người Mỹ cùng sĩ quan tham mưu còn đang kẹt lại tại đó. Sau đó mọi người trực chỉ hướng bờ sông Dinh.

Lúc nầy các chiến sĩ Dù đi một cách dè dặt vì địch còn nằm ngủ trên đường, bây giờ khi dẫn toàn bộ đám đông qua thì đại đội lính Dù dàn quân bắn áp đảo để địch không kịp ngẩng đầu bắn vào đoàn người di tản. Sau khi tới bờ sông, nhờ nước ròng (sâu nhất chỉ tới bụng) nên có thể lội qua bên kia bờ được.

Đoàn người di tản gấp rút qua sông vì sợ địch phản kích, mặc dù Cộng quân lúc đó đang mê ngủ, lại bị tấn công ào ạt dữ dội bởi các chiến sĩ Dù nên phải chém vè chạy bán mạng (và cũng không dám bắn ngang vì sợ bắn nhầm với nhau).

Hai vị tướng và người Mỹ vẫn không chạy theo kịp toán quân Dù. Sau khi quân Dù mở đường máu vượt qua đường thì địch giàn các chiến xa theo đường và đồng thời mở đèn pha chiếu vào khe núi sáng như ban ngày!

Rồi địch tiến tới khe suối, người bị bắt đầu tiên là Tướng Sang, tiếp đến là Trung tướng Nghi, anh cố vấn Mỹ, kế bên là anh cận vệ tướng Nghi. Sau đó chúng bắt luôn BS Tiến, y sĩ trưởng LĐ2, Đại Úy Đô ĐĐT Công Binh, và những người kẹt dưới khe suối.

Thiếu Tá Thành Râu được một toán nhỏ lính Dù trong đó có y tá theo bảo vệ và chăm sóc vết thương, đi tới sáng thì dừng lại nghỉ ngơi trong một bụi rậm. Thầy trò chỉ còn nhìn nhau cười cho số phận người chiến sĩ Dù mới nếm mùi thất bại đầu tiên trong tình hình đất nước đang tới hồi đen tối!

Toán theo Đại Tá Lương vượt qua sông Dinh tới nghỉ tại một ngôi chùa cổ; lúc đó là 1 giờ khuya ngày 17/4/1975. Trong số hơn 200 người qua sông, không có những sĩ quan tham mưu của Quân Đoàn III, Sư Đoàn 6 Không Quân, Sư Đoàn 2 Bộ Binh, và Biệt Động Quân.

Nghỉ ngơi khoảng nửa giờ thì Đại Tá Lương cho lệnh Thiếu Úy Bé dẫn 10 binh sĩ Dù lội trở lại tìm cách hướng dẫn 2 vị Tướng và anh Mỹ tòa Đại Sứ qua sông. Phần còn lại sẽ bố trí và chờ đợi tại ngôi chùa nầy.

Nhận lệnh, mặc dù mệt mỏi suốt đêm, 10 chiến sĩ Nhảy Dù cũng thi hành lệnh nghiêm chỉnh. Đó là kỷ luật trong binh chủng, nhờ vậy Nhảy Dù gây được nhiều niềm tin cho đồng bào miền Nam hằng chục năm nay. Thiếu Úy Bé là một sĩ quan dũng cảm, anh đã lập nhiều chiến công trong các trận Thường Đức và đèo Hải Vân, Bé dẫn tiểu đội (chỉ còn 10 người) lội sông trở lại vị trí khu vườn mía để tìm 2 vị Tướng.

Nhưng! sau 2 lần bị bất ngờ và bị tổn thất, địch đã đề cao cảnh giác. Nên khi toán quân Dù vừa qua sông tiến tới gần lò đường thì địch khai hỏa dữ dội. Bé điều động anh em bắn trả mãnh liệt, một chiến sĩ đã hy sinh ngay loạt đạn đầu, Bé bị thương nơi bắp đùi, anh biết trung đội đang lọt vào vòng vây, với chiến xa và phòng không địch bắn tới tấp, Bé bảo Trung Sĩ Tuy dẫn anh em rút lui về bên kia sông. Anh không thể chạy được nếu dây dưa thì chết cả đám, TS Tuy còn chần chờ, nhưng Bé bảo đây là lệnh.

Rồi Bé ở lại mở chốt lựu đạn ném vào quân địch, bắn tới hết đạn, thì địch quân tràn tới; anh định mở chốt an toàn trái lựu đạn chót để chết chung với địch! Nhưng Tuy đã dẫn binh sĩ đi được một đoạn, rồi không đành nên bảo binh sĩ quay lại, vừa lúc thấy Bé định tự sát, nên anh nhào tới chụp tay và cố đỡ Bé chạy về bờ sông.

Họ đi được chừng 100 thước, thì bị địch theo kịp. Tuy và các chiến sĩ Dù bắn trả tới tấp chận đường tiến quân của địch. Thấy tình hình không thể cầm cự lâu, Tuy vừa bị một viên đạn xuyên qua đùi, anh cùng Thiếu Úy Bé bảo binh sĩ anh em để đạn dược lại và lui về báo cáo, rồi mỗi người thủ 2 khẩu M72 và M16, cùng nhiều lựu đạn do anh em để lại.

Hễ mỗi lần địch nhào lên thì Bé và Tuy kẻ bắn M16 người thụt M72, khiến địch tổn thất nặng nề. Khi thấy 2 người bắn hết đạn, địch quân tràn lên và bị lựu đạn ném ra. Cộng quân tức giận vội bắn hàng loạt B40 bứng bay mô đất che 2 chiến sĩ Dù dũng cảm; TS Tuy ném hết các quả lựu đạn, rồi cố kéo Bé về bờ sông, nhưng không kịp nữa; địch tràn tới nhanh và chỉa súng bắn vào hai người như để trả hận!!! Nguyên thân hình Tuy và Bé bị bắn tung lên, chết ngay tức khắc!

Đại Tá Lương nghe tiếng nổ, biết đó là điềm chẳng lành; quả nhiên khoảng 20 phút sau, toán quân lội trở lại, 10 người chỉ còn 7. Thiếu Úy Bé, Trung Sĩ Tuy cùng 1 binh sĩ đã hy sinh, anh Hạ sĩ phụ tá bị thương ở cánh tay trái, và một binh sĩ bị thương ở đùi.

Suy nghĩ một lúc, vô kế khả thi; Đại Tá Lương đành dẫn hơn 200 quân nhân đủ loại binh chủng; lấy phương giác băng đồng về hướng sông Quao. Đoàn quân đi khoảng 2 giờ rưỡi thì tới nơi. Sông nầy rất hẹp và đầy bèo lục bình… Hai khinh binh đi đầu lội thử, thấy chỗ sâu nhất cũng chỉ tới ngực. Toàn bộ qua được bên kia bờ, mọi người đều quá mỏi mệt, chia từng toán nhỏ nằm trong các lùm bụi rậm rạp nghỉ ngơi.

Khoảng 6 giờ sáng, trời còn mờ sương, anh lính truyền tin đánh thức Đ/T Lương dậy và trao ống liên hợp cho ông nghe… Từ trên không, một chiếc L19 của Quân Đoàn III đang bay lượn vòng vòng phía bờ biển và gọi máy liên tục. Ông trả lời và xưng danh hiệu; vị sĩ quan trên máy xưng là Đại Úy Tango (nghĩa chữ T đứng đầu tên), và đồng thời yêu cầu chuyển sang tần số giải tỏa…

Sau khi xác định mật hiệu, Tango đã biết chính là LĐT/LĐ2ND và vị trí điểm đứng. Anh ta hỏi có bao nhiêu người.. Đ/T Lương nói khoảng 250 người (chỉ phỏng đoán). Đại Úy Tango cho biết có 22 trực thăng chở quân, và mỗi chiếc chở được tới 14 người. Vì tất cả chỉ còn súng và ít đạn với mấy vật dụng sơ sài như Poncho, ba lô đựng ít lương khô, nên có thể chở được 14 người.

Đại úy “T” cho biết phải sẵn sàng trước 7 giờ sáng ngày 17/4/75. Rồi chiếc phi cơ quan sát rời vùng; đoàn quân di tản được phân phối, xếp mỗi toán 14 người theo thứ tự hàng dọc để trực thăng dễ bốc. Chiếc cuối cùng sẽ bốc quân gần sát bờ sông Quao (trong đó có Đ/T Lương và 2 nhân viên truyền tin, tất cả 14 người nầy đều là quân Dù).

Khoảng 40 phút sau, phi cơ quan sát trở lại, Đại Úy “T” hỏi Đại Tá Lương cho biết vị trí của Tướng Nghi và Tướng Sang đang ở đâu? Đ/T Lương trả lời: “Đã thất lạc từ đêm hôm qua, tại khu rừng mía, để về đến nơi tôi sẽ trình bày chi tiết”…

Mười lăm phút sau, từ trên phi cơ Đại Úy “T” truyền xuống cho biết lệnh của tướng tư Lệnh Quân Đoàn III (Nguyễn Văn Toàn): “207 (danh hiệu truyền tin của Đ/T Lương) phải trở lại kiếm hai ông Three Stars Nectar và One Star Sierra; nếu không thi hành khi về sẽ ra toà án quân sự và sẽ không còn 3 bông mai bạc nữa đâu!!!”

Lúc đó Thiếu Tá Đông (một SQ bộ binh) và tất cả các quân nhân sĩ quan, HSQ, và binh sĩ đứng gần đều nói: “Đại tá cứ về, việc làm suốt ngày và đêm hôm qua chúng tôi đều biết, nếu có phải ra tòa án, chúng tôi sẽ cùng ra làm chứng… Chúng ta đã làm hết sức, mà không đạt được thì đành chịu thôi!”

Thực tế ông đâu có bỏ chạy một mình, đã đưa 2 vị ấy ra khỏi phi trường; rồi đi bộ suốt ngày mới tới Cà Ná. Và chính Tướng Nghi cũng đã từ chối không cho trực thăng xuống bốc BTL Tiền Phương và SĐ6KQ lúc 17 giờ chiều ngày 16/4/75.

Suy nghĩ một lúc, Đ/T Lương gọi máy nói với Đại Úy Tango ở trên phi cơ L19 là: “Tôi và một số quân nhân Dù sẽ trở lại vùng chạm địch hôm qua để dò la và tìm 2 vị Tướng. Tôi yêu cầu cho trực thăng bốc tất cả hơn 200 người hiện đang đứng với tôi về QĐ3 để họ trình bày với trung tướng tư lệnh”… Sau đó ông dặn dò và nói lại nhờ Thiếu Tá Đông và 1 thiếu úy về gặp trung tướng trình bày lại mọi sự.

Đại Tá Lương chọn 16 chiến sĩ Dù chia làm 2 toán do Trung sĩ Hùng và HSI Toàn làm trưởng toán, cùng với 2 máy truyền tin để chờ đêm tối trở lại. Khoảng 1 giờ sau, trực thăng xuống bốc trên 200 quân nhân đủ mọi binh chủng bay đi…

Tối 17/4/75, 17 người trở lại chỗ chạm súng tại khu vườn mía, vườn xoài, và đường thông thủy. Ban đêm phải đi ngoài đồng trống theo phương giác. Không dám đi gần đường và làng mạc, vì chó sủa sẽ bị lộ. Khoảng hơn 1 giờ khuya, toán nầy về tới chỗ cũ, cảnh vật rất lặng lẽ và yên tĩnh. Những cành cây và trái dừa đã bị súng phòng không 37 ly bắn rơi rụng đêm qua nay vẫn còn nguyên; mùi khói súng còn nồng nực…

Đ/T Lương kiếm vài ngôi nhà gần đó, cho anh em bố trí nghe ngóng; nhìn trong nhà dưới ánh đèn dầu mờ, thấy toàn những ông bà già và trẻ nhỏ.. Anh gõ cửa vào để hỏi thăm; vẻ mặt họ rất sợ sệt. Đại tá Lươmg hỏi một ông lão:

– Chúng tôi là anh em quân nhân Dù về đây tìm người quen… Vậy bác cho biết hồi đêm đánh nhau ở đây; rồi các quân nhân Cộng Hòa đi về đâu?

Ông lão trả lời với giọng run run:

– Trời ơi! mấy cậu sao còn ở đây ? Họ đông lắm, đi mau đi, đừng ở đây nguy hiểm lắm.

Đ/T Lương hỏi thêm:

– Vậy hồi đêm đánh nhau ở đây có nhiều người chết và bị thương không?.

– Chết, nghe nói mấy chục người, và lúc gần sáng, họ (tức VC) tràn vào đường khe suối bắt được một số lính.

– Bác có nghe nói bắt được sĩ quan nào cấp tướng không?

– Không nghe.

– Vậy còn dân chúng và gia đình binh sĩ ra sao ?

– Họ đi ra chợ Phan Rang, theo đường lộ, đông lắm.

Đ/T Lương tiếp tục hỏi thêm vài điều nữa rồi cám ơn và chào từ giả.

Sau đó, họ vượt sông Dinh trở lại, và kỳ nầy nhắm hướng núi để đi cho an toàn. Mọi người còn trên mình khoảng 3 ngày lương khô (gạo xấy, cá, và thịt hộp).

Suốt 2 ngày 18/4 và 19/4, 17 người đi theo vùng đồi cát, khát nước vô cùng vì nắng quá gay gắt. Mỗi người bẻ trộm vài cây mía để giải khát…Nhưng càng ăn lại càng khát thêm… Chiều ngày 19/4, họ vượt đường xe lửa, đổ xuống vùng đồng bằng; hướng về biển để kiếm ghe xuồng, xuôi về Cà Ná. Đi được khoảng 1 cây số thì 2 khinh binh dẫn đầu ra hiệu có địch phía trước. Tất cả kiếm nơi bố trí để chuẩn bị chống trả.

Bò lên quan sát, Trung Sĩ Hùng trở lại cho biết: hình như không phải địch, thấy họ mặc áo màu xanh bộ binh và có vẻ cũng đang ẩn nấp. Trung Sĩ Hùng dẫn 5 binh sĩ bò lại chỗ bụi rậm gần đó hô bảo đầu hàng… Họ liền giơ tay và đứng dậy ra khỏi chỗ núp.

Thì ra là 7 chiến sĩ Địa Phương Quân, họ vẫn còn nguyên súng đạn. Gặp quân Dù họ mừng như gặp được cứu tinh, và đoàn quân có thêm 7 trợ thủ nữa! Như vậy tổng cộng là 24 người tất cả. Để 7 binh sĩ Địa Phương Quân đi đoạn hậu, mọi người nhắm hướng Đông tìm đường ra biển. Suốt ngày 19/4, họ đi êm ả; tuy nhiên tối đến nhìn về phía quốc lộ I thấy đèn xe của địch đang chạy về hướng Cà Ná. Đ/T Lương định ra đến biển rồi chắc phải xuôi ngược về Phan Thiết, chứ không thể lên Cà Ná được nữa vì địch đang di chuyển về hướng nầy.

Đêm 19/4, tất cả dừng quân và nghỉ ngơi lấy sức, để sáng mai có thể đi một mạch tới quốc lộ I và băng về hướng biển. Sáu giờ sáng ngày 20/4, mọi người bắt đầu di chuyển sau khi ăn cơm sấy và thịt hộp lót dạ. Khoảng 9 giờ thì toán quân chỉ còn cách QLI độ 2 cây số, họ di chuyển 2 hàng dọc; đi theo các bờ ruộng mía cao quá đầu người. Khi còn cách QLI khoảng 500 thước, nhìn qua khoảng trống thấy từng đoàn xe địch chở đầy quân; trên nóc xe và 2 bên vẫn còn cắm cây lá ngụy trang.

Mọi người đành bố trí trong ruộng mía, chờ trời tối sẽ băng qua đường, lúc đó toán đầu của Trung Sĩ Hùng chỉ cách đường 300 thước; không thể chạy nhanh qua đường được, vì bên kia là khoảng trống khá xa. Nếu họ liều băng qua có thể sẽ bị du kích địa phương phát giác; vì trên đường thỉnh thoảng thấy vài tên du kích đeo súng trên vai và chạy xe đạp qua lại.

Bất ngờ vào 10 giờ rưởi sáng, có khoảng 1 đại đội (chắc là lực lượng du kích địa phương) đi bộ dọc theo hai bên đường.

Bỗng có một tên trong bọn hô to :

– Ê! Thấy tụi bây nấp trong ruộng mía rồi, ra hàng thì sống.

Sự thực ruộng mía rậm và cao, mà mọi người thì nằm theo các đường rãnh sâu giữa 2 luống mía; như vậy làm sao tên đó có thể thấy được; hơn nữa toán đầu còn cách QLI tới 300 thước. Nó chỉ hù dọa để nếu ai nhát gan sẽ bỏ chạy hoặc ra hàng.

Đột nhiên có 2 lính Địa phương quân nằm ở phía sau toán quân Dù khoảng hơn 100 thước, đứng dậy chạy về phía núi; vừa chạy vừa bắn ngược lại hướng địch. Thế là địch bắn xối xả về phía ruộng mía. Thấy tình trạng bất lợi, tất cả bò lui về phía sau và giữ im không bắn trả.

Có lẽ địch nghĩ trong ruộng mía chỉ có vài người nên bắn hoảng để cầm chân mà bỏ chạy. Cộng quân dàn đội hình hàng ngang tiến vào ruộng mía để lục soát. Địch tới càng lúc càng gần, 50 thước, 30 thước, 20 thước, 10 thước,… toán quân di tản bắt buộc phải nổ súng tự vệ, mấy tên đi đầu bị trúng đạn ngã liền. Cộng quân vội dừng lại lấy đội hình rồi đồng loạt khai hỏa bằng đủ loại súng vào quân ta.

Súng cối, B40, thượng liên, và đại liên bắn ào ào; nhờ các bờ luống mía cao, nên tránh được đạn thẳng, nhưng những loại B40 và súng cối bắn vào; khiến hai chiến sĩ Dù bị thương. Trung Sĩ Hùng vừa lao mình lên phóng một lượt 2 trái lựu đạn, thì anh bị nguyên một tràng AK47 trúng ngực; tuy bị thương nặng nhưng Hùng vẫn còn tỏ lòng khí khái khiến Đại tá Lương lúc nào cũng nhớ đến cử chỉ hào hùng của anh: Hùng vừa đưa súng vừa nói:

– Ông thầy chạy đi tôi sẽ chận chúng nó lại và chết chung với tụi nó bằng trái lựu đạn nầy!

Đại tá Lương còn bịn rịn, nước mắt tuôn trào vì thương cho người chiến sĩ Dù trung can nghĩa dũng! Hùng lấy tay khoát bảo chạy mau. Súng địch bắn dữ dội, thêm 2 chiến sĩ Dù bị tử thương! Hai người đệ tử đứng gần thấy địch sắp tới, vội kéo Đại tá Lương chạy về hướng núi.

Rồi ruộng mía bị cháy vì đã đến thời kỳ sắp chặt, đốn về làm đường, nên lá mía đã khô nhiều; gặp các loại đạn lửa, B40, và B41 nên phát cháy dữ dội. Đại Tá Lương và 2 chiến sĩ Dù bị nóng quá vội chạy ngược về phía đồi núi; trong 5 chiến sĩ Địa Phương Quân có 2 bị tử thương, 3 người còn lại bị bắt tại chỗ (trong đó có 1 anh bị thương bả vai)!

Có lẽ qua lời khai của mấy người bị bắt, nên sau đó ít phút, nghe tiếng loa gọi của địch :

– Chúng tôi biết có anh Đại Tá và ít lính Dù trong khu vực nầy, nếu ra hàng thì sống, được về với gia đình, còn chống lại sẽ chết.

Trong 2 người truyền tin có 1 anh bị tử thương, và chiếc máy còn lại cũng hư luôn, chỉ nghe được nhưng không phát được. Vì nghe có Đại Tá Dù, địch tăng cường quân thêm từ các đoàn xe phía sau; quân số đông đến cả tiểu đoàn, và bao vây toàn khu vực vườn mía mà quân Dù đang ẩn nấp.

Bây giờ chỉ còn lại 10 người, họ chia ra làm 3 tổ, trấn giữ 3 hướng với tiêu lệnh bắn rất ít để tiết kiệm đạn; mong cầm cự chờ đêm tối sẽ tìm cách thoát thân. Lúc đó, trong máy truyền tin Đại tá Lương nghe tiếng gọi danh hiệu của anh, nhưng trả lời thì phi cơ quan sát không nhận được!

Khoảng 2 giờ chiều, địch bắn súng cối rất nhiều, trong đó có cả lựu đạn cay! Vì không có mặt nạ chống hơi cay, nên mọi người liều mạng vừa bắn trả vừa chạy nhanh về hướng núi. Mỗi toán chạy một ngã… Chạy hết ruộng mía thì đến vùng ruộng rẫy trồng toàn dưa. Lúc đó Đại tá Lương bị tai ù, mắt cay thốn rất khó chịu; anh vừa chạy vừa dụi mắt, đến một vũng nước (có lẽ dùng để tưới cây); tổ của ông còn lại 3 người, họ vội úp mặt vào nước vừa uống vừa rửa… rồi mệt quá nằm ngủ mê thiếp lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, thấy 3 tên bộ đội VC đang cầm AK47 chỉa vào 3 người. Một tên hỏi:

– Các anh có thấy thằng đại tá Dù chạy hướng nào không ?

Đ/T Lương chỉ phía trái nói:

– Chạy về hướng kia!

Tên vừa rồi, có lẽ là tổ trưởng trong 3 đứa, lại hỏi:

– Vậy anh là ai ?

Lúc gần tới vũng nước có mấy bụi cây rậm rạp, nên 3 người đều cởi dây đạn và súng dấu trong bụi cây; định uống nước rửa mặt xong sẽ ngồi nấp trong bụi đợi mờ tối mới đi tiếp. Vì từ đó vào núi rất xa, mà ruộng rẫy và bãi trống từ đó kéo dài tới núi. Vì vậy địch thấy họ chỉ có người không; chẳng có súng và nón sắt chỉ có chiếc địa bàn còn đeo trên cổ Đ/T Lương.

Tên trưởng toán hỏi anh:

– Anh làm gì trong quân Ngụy ?

– Tôi làm trung sĩ phát lương, đang trên đường về nhà thì thấy các anh bắn nhau ghê quá; lại bị gió thổi hơi cay đầy mặt, nên cố chạy đến đây để kiếm nước rửa mặt.

– Anh nói láo! Trên cổ áo anh có 3 cục và có gạch sói lòi qua (lúc đó cấp bậc ở cổ áo ông may bằng vải ngụy trang màu đen). Như vậy là thượng sĩ chứ đâu phải trung sĩ.

– Anh đã biết tôi đâu dám dấu, đúng tôi là thượng sĩ.

Vừa nói Đại Tá Lương vừa cởi áo và dìm trong vũng nước bùn, chỉ còn mặc chiếc áo thung màu quân đội; với quần trận và giày saut. Hai chiến sĩ Dù chỉ ngồi im không nói gì, để mặc Đại Tá Lương đối đáp. Mấy tên bộ đội Cộng Sản thấy ông đeo đồng hồ và nhẫn cưới, chúng bảo tháo ra và tự động bỏ túi; đồng thời còn khám túi quần sau của anh và lấy hết 3000$ (ba ngàn đồng).

Hai binh sĩ Dù kia, một người có chiếc đồng hồ cũng bị lột mất! Xong nó nói:

– Tha cho 3 anh đi về với vợ con, nhưng mỗi người phải đi một hướng không được đi chung, nếu đi chung tôi sẽ bắn.

Hắn chỉ hai anh kia đi chéo về phía làng; mỗi người phải cách nhau mấy trăm thước; còn Đ/T Lương đi về phía đường rầy xe lửa… Mệt mỏi, anh đi thất thểu mới được khoảng 500 thước thì gặp 2 tên bộ đội CS khác cầm súng từ xa vừa chạy tới vừa hô đứng lại. Anh quay nhìn lại 3 tên lúc nãy mong họ xác nhận là mới thả, nhưng họ lẻn nhanh về phía ruộng mía… Hai tên mới tới chỉa súng vào người bắt anh đi… Lúc đó trong túi quần trận ở ngang đùi còn 13.000$ (mười ba ngàn đồng).

Đại Tá Lương nói:

– Hai anh để tôi đi về với gia đình tôi sẽ tặng 2 anh mười ngàn đồng.

– Có mua được đồng hồ con hải cẩu số 5 không? Hoặc đồng hồ không người lái, 12 trụ đèn,…

Đại Tá Lương nghe chẳng hiểu gì hết nhưng cứ gật đầu nói bừa:

– Với số tiền nầy mua được hơn 2 cái đồng hồ như các anh nói! (Sau nầy khi ở trong tù, anh mới biết: hải cẩu 5 là Seiko 5; không người lái là tự động; còn 12 trụ đèn là các con số đồng hồ dạ quang về đêm xem được!….).

Hai đứa nhìn nhau, rồi một tên nói:

– Tôi đưa anh đến xóm nhà đàng kia, đến đó rồi anh tự đi lấy… chứ ở đây thả ngay anh, các đồng chí khác sẽ thấy… không được đâu!

Họ bảo đưa tiền, anh đưa mỗi người 5 ngàn, còn lại 3 ngàn dằn túi. Rồi anh đi trước về hướng xóm làng, hai tên bộ đội đi theo sau. Tới bờ làng gặp một bà lão đang chặt củi và một thanh niên đang cuốc đất. Lúc đó Đại Tá Lương khát khô cả cổ nên nói với bộ đội để ông xin nước uống. Bà lão nhìn ông, rồi đưa dao cho cậu thanh niên và nói:

– Con chặt trái dừa cho chú lính uống đỡ khát.

Đ/T Lương nói cám ơn, vừa đưa trái dừa lên miệng thì gặp 1 toán quân khoảng 20 chục người đang đi tới; anh vội nói:

– Ta đi thôi!

Bất ngờ tên chỉ huy hỏi 2 tên bộ đội:

– Bắt được tên “Ngụy” Dù à ?

Ngay lúc đó có anh lính Địa Phương Quân bị bắt lúc trước đang được dẫn đi xem các xác chết coi có đại tá không ?

Anh ta bỗng chỉ và nói:

– Bắt được ông đại tá Dù rồi đó.

Hắn vừa nói vừa chỉ về phía Đ/T Lương! Thế là chúng xúm lại trói chặt 2 tay anh và giải về Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn; bà lão thấy cảnh như vậy thương xót cho nguòi chiến binh Dù vô cùng! Hai mắt đỏ ngầu, bà nói khẽ với cậu con trai:

– Tôi nghiệp mấy anh lính Cộng Hòa quá, họ suốt ngày vào sanh ra tử để bảo vệ dân lành, ngày nay lại lâm vào cảnh đường cùng như vầy! Thật tội nghiệp hết sức!

Sau đó họ đưa Đại Tá Lương về bộ chỉ huy Sư Đoàn 968, và anh trở thành tù binh của địch đúng 17 giờ ngày 20/4/75 !!!

Riêng phần Thành Râu cùng toán đệ tử lần mò đi về hướng biển, anh có liên lạc được với Trung Tá Lê Văn Mễ, trưởng Phòng 3, và Đại Tá Trương Vĩnh Phước, tư lệnh phó SĐND, họ bảo anh ráng tìm cách tới bờ biển để trực thăng bốc.

Ngày thứ 3, Thành mò ra tới bãi biển, chuẩn bị làm thủ tục để các trực thăng bay ngoài biển nhận diện. Lúc đang ngồi chờ đợi máy bay thì thấy một toán bộ đội đi tới; địch phát hiện trong nhà chòi có bóng người; vội nằm xuống bờ ruộng chỉa súng về hướng toán quân Dù. Thành thấy chống cự cũng vô ích, vì những người đi theo toàn thương binh và đạn dược đã cạn hết. Nên đành thúc thủ để Cộng quân bắt dẫn đi tới bộ chỉ huy của họ.

Đầu não bộ chỉ huy quân chính qui Bắc Việt khi nghe nói Thành là tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù thì họ rất vui mừng:

– Cả mấy ngày nay, tao tìm mầy giờ mới bắt được. Thằng ngoan cố! Giờ còn để râu nữa, trói lại.

Một vài tên khác có vẻ cũng thuộc thành phần chỉ huy nhưng hiểu biết, đã can gián:

– Không được chúng ta phải áp dụng đúng quy chế tù binh.

Lúc đó trong đầu Thành nghĩ: “Kệ chúng mầy, muốn bắn tao bây giờ cũng không sợ, không thắc mắc. Luật giang hồ mà; mạnh được yếu thua, tao bây giờ như cá nằm trong thớt, tụi bây muốn làm gì thì làm”.

Địch chuyển anh dần lên đến trại tập trung tù binh. Trong lúc nầy, đối mặt với địch, Thành đã chứng kiến nhiều điều; địch cũng biết nể nang binh chủng Nhảy Dù ở tinh thần kỷ luật. Địch cũng có kẻ hiểu biết và cũng có đứa ác ôn. Có mấy tên đặc công cứ đòi xé xác anh như con mực khô để nhậu.

Vào trại tập trung, một tên sĩ quan CSBV mang Thành ra khai thác tù binh, lúc ấy vào ngày 19/4/75, và Sàigòn vẫn chưa mất. Tên sĩ quan hỏi anh đã thua bao nhiêu trận. Thành trả lời:

– Chỉ mới thua trận nầy lần đầu và cũng là lần cuối!

– Nhảy Dù đánh chiến thuật nào ?

– Đánh các anh không khó. Nhảy Dù bảo vệ mạng sống binh sĩ tối đa. Phi cơ, pháo binh đủ loại dập nát mục tiêu tan tành, rồi tà tà lên đếm xác.

– Anh theo tôi vào Sài Gòn giải phóng ?

– Tôi chỉ trung thành một phía.

Thành muốn trả lời ngang bướng để anh ta nổi nóng tặng cho một viên K54. Không ngờ hắn lại nở nụ cười nhiều ý nghĩa? Lợi dụng nụ cười đó, Thành nói:

– Anh cho tôi ra ăn tô cháo (ba ngày nay vừa bị thương vừa không ăn gì nên Thành cảm thấy đói vô cùng!).

Anh ta cho một cận vệ đi theo ra đầu đường ở trong thành phố Phan Rang mua cháo. Thành gọi mua một tô, các bà thương lính VNCH nên múc cho 1 tô kiểu “xe lửa” để ủy lạo lần cuối cho anh lính Cộng Hòa! Bà bán cháo mếu máo nói :

– Cháu dại khai chi cấp bậc lớn để họ bắt ở tù lâu? Tội nghiệp cháu quá!!!

Đại Úy Võ Trung Tín – Tiểu Đoàn Truyền Tin SĐND – 714-545-0105

Đại Úy Nguyễn Hữu Viên – Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù – 714-897-1435

Chúng tôi rất mong được đón nhận những ý kiến bổ chính của các chiến hữu cho những sai sót vì vấn đề thời gian đã trên 30 năm và tài liệu tham khảo hạn hẹp. Điện Thoại: 714-545-0105 email: votrungtin. com

Tôi chỉ tìm được câu “binh hùng, tướng dũng, nhưng thiếu chiến lược,” để nhận định về trận đánh Phan Rang.

Tôi rất kính phục quyết định của trung tướng Nghi không cho trực thăng xuống đón ông để cùng rút bằng đường bộ với anh em quân nhân dưới quyền; tôi cũng không trách ông luẩn quẩn với quan điểm phòng thủ Phan Rang bằng cách bố trí lực lượng quanh phi trường và một hệ thống tiền đồn bao quanh căn cứ không quân Phan Rang trên dưới 10 cây số.

Tuy nhiên, nếu ông quan niệm tấn công là hình thức phòng thủ kiến hiệu nhất thì địch quân đã không vào được Phan Rang, ít nhất cũng không vào được dưới hình thức nguyên vẹn cả sư đoàn, quân đoàn như chúng đã làm.

Với 4 tiểu đoàn nhẩy dù ông có tối thiểu 12 đại đội tác chiến, mỗi đại đội quân số tối thiểu tại hàng cũng còn 100 chiến sĩ, chia thành 3 trung đội. Nếu mỗi quân nhân chôn 20 quả mìn chống chiến xa trên một đoạn đường 500 thước quốc lộ 1, đoạn đường do trung đội phụ trách phục kích, rồi lui 200 thước vào phía Tây của con đường, phía có ven núi Trường Sơn, để đào hố chiến đấu cá nhân nằm chờ địch, thì 1,200 quả mìn chống chiến xa của 36 trung đội ít nhất cũng loại được hàng trăm T54 của địch, cùng với hàng ngàn bộ binh địch. Ấy là chưa nói đến việc sau khi giật mìn dưới lườn xe thiết giáp địch, họ gọi máy hướng dẫn hải pháo bắn vào đoàn công voa địch bị mắc kẹt vì nhiều chiến xa của chúng bị trúng mìn nằm cản đường.

Cuộc phục kích của 36 trung đội Nhẩy Dù sẽ kéo dài đến 18 cây số (500 thước X 36) và tạo ra một trận địa pháo vô cùng lớn, gồm những mục tiêu bất động, nằm giới hạn trong vòng 200 thước bên trái và bên phải của quốc lộ. Ðoàn xe của địch cũng sẽ làm bia cho khu trục cơ của chúng ta cất cánh từ Phan Rang hay Biên Hoà đánh bom và xạ kích.

Mất hết chiến cụ nặng như pháo binh và thiết giáp sau trận địa pháo này, đoàn quân Việt Cộng đang hùng hổ tiến trên Quốc Lộ 1, không còn khả năng tấn công Phan Rang nữa, dù bộ chỉ huy hành quân của Trung Tướng Nghi chỉ được bảo vệ bằng 2 trung đoàn của Sư Đoàn 2 Bộ Binh.

Hình thức tác chiến này không mới, mà chỉ lập lại hệ thống chốt mà địch đã đặt tại chặng Tầu Ô trên Quốc Lộ 13 để ngăn chặn Sư Ðoàn 21 của chúng ta tiến vào tăng cường An Lộc năm 1972.

Năm đó, mặc dù có hỏa lực không yểm và pháo binh, chúng ta đã phải trả đắt giá để thanh toán những cái chốt này; Năm 1975, lực lượng phục kích chúng ta có hải pháo, không quân, súng cối của đại đội và tiểu đoàn, trong lúc lực lượng Việt Cộng bị phục kích lại không được yểm trợ thì có thể nói là Việt Cộng vô phương tiến được 200 thước triền núi đã gài đầy lựu đạn, mìn claymore, mìn cá nhân để vào đến những cái chốt được phòng thủ bởi những tay súng nhẩy dù thiện chiến và vô cùng can đảm.

Nhưng chúng ta không phục kích chặn địch, mà còn để Quốc Lộ 1 thênh thang mở rộng cho chiến xa và pháo binh địch ngang nhiên tiến vào gặp những căn cứ cố định, chúng mặc tình pháo cho đến lúc không còn hai viên gạch nào dính vào với nhau nữa.

Người Pháp đã tổn thất nặng nề trong lúc di chuyển trên Quốc Lộ 19, Quân Ðoàn 2 cũng đã thiệt hại lớn trên tỉnh lộ 7, nhưng chúng ta không bắt địch trả đắt giá khi chúng không thể tránh di chuyển trên Quốc Lộ 1.

Chiến lược là đặt người lính vào vị trí có thể bắn được địch, bắn trước, trong thế làm chủ tình hình; là tạo hoàn cảnh giao tranh thuận lợi để đơn vị ta gây được nhiều tổn thất cho địch, mà không bị tổn thất, hoặc chỉ bị tổn thất rất ít.

Và phòng thủ không hề có nghĩa là nhốt quân vào đồn bót, căn cứ để tạo mục tiêu cố định, dễ tấn công cho địch quân.

Tôi hoàn toàn ý thức được cái thế phê bình sau khi việc đã xẩy ra, nhưng tôi cũng chỉ làm công việc hai vị sĩ quan nhẩy dù Đại Úy Võ Trung Tín và Đại Úy Nguyễn Hữu Viên đang làm, là tìm câu trả lời cho nghịch lý, tại sao người lính VNCH thiện chiến đến như vậy, tận tụy chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước đến như vậy, hy sinh chấp nhận mọi gian khổ, chấp nhận cả cái chết có thể đến với họ bất cứ phút nào, mà chúng ta lại có thể thất trận.

Phần tường thuật trận đánh Phan Rang hoàn toàn là công sưu tầm và biên tập của hai vị sĩ quan nhẩy dù vừa kể trên; tôi chi góp ý viết phần thảo luận về chiến lược phòng thủ.

Nguyên bài báo dài này là để định nghĩa 3 chữ “Trận Phan Rang” trong quyển “Từ Ðiển Chiến Tranh Việt Nam” mà tôi đang biên soạn.

Tôi tha thiết xin quý vị cao kiến giúp chúng tôi bổ khuyết những thiếu xót, và sửa đổi mọi lầm lẫn để chúng ta có một diễn dịch chính xác về “Trận Phan Rang” được nhiều người chấp nhận khi quyển sách phát hành.

Xin quý vị gửi mọi phê phán về lập luận chiến lược cho tôi tại địa chỉ nguyendatthinh@ aol.com, và gởi những chi tiết về “trận Phan Rang” cho Đại Úy Võ Trung Tín theo địa chỉ đã kê ở trên.

Tôi chân thành cảm ơn hai vị đại úy Nhẩy Dù đã cho phép tôi trích đăng tác phẩm của quý vị.

Trân trọng

Nguyễn Ðạt Thịnh

This entry was posted in 1975. Bookmark the permalink.